Trang thơ các nhà giáo nhân ngày 20.11

Các nhà giáo |

Trang thơ các nhà giáo nhân ngày 20.11

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Xuống xe vội vã đến thăm thầy

Gần sáu chục xuân có dịp may

Mái tóc lơ phơ rung mái tóc

Bàn tay nhăn nhúm ấm bàn tay

Hương Giang mòn mỏi chờ năm tháng

Sông Mã xốn xang đón một ngày

Ông giáo già thăm thầy giáo cũ

Chia tay nước mắt chực vơi đầy.

* (Huế, xuân 2014, thăm thầy giáo Thân Trọng Kinh 92 tuổi)

Nguyễn Huy Đóa (Cựu nhà giáo)

KHÔNG DƯNG MÀ NHỚ

Thung thăng bước dạo phố phường

bỗng hun hút nhớ nẻo đường không tên

Quên người nhớ - nhớ người quên

đi trong vỡ nát - nhớ bền vững xưa

Gặp người đón - nhớ người đưa

tránh người quen - nhớ người chưa biết mình

Thoảng qua - nhớ cuộc chung tình

nửa đêm nay - nhớ bình minh thuở nào

Nhà chật thấp - nhớ trời cao

vườn mận sực nhớ vườn đào đương hoa

Bên mình - chợt nhớ người ta

ban mai ngơ ngẩn nhớ ra buổi chiều

Cuộc dây lặng nhớ cánh diều

không dưng - quặn nhớ những điều hư vô...

Nguyễn Trọng Hoàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

THAO THỨC CỎ XANH

Cỏ xanh rút ruột trang Kiều

Sông Tiền Đường quặn bốn chiều sóng xô

Hoa lê thức dưới trăng mờ

Nguyễn Du bạc tóc đến giờ Kiều ơi!

Giọt đàn hay giọt máu rơi

Mấy trăm năm lặng bóng người trong thơ

Cỏ xanh, xanh đến tận giờ

Còn bao cỏ úa vẫn chờ Thanh minh? 

Huệ Triệu (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM)

ẢO MỘNG

giấc mơ không muốn tỉnh

sợ không có anh ở bên

em ôm ngực trăng

thả những nụ hôn đẫm sương đêm lên khuôn mặt anh

chúng ta không đến được thảo nguyên như lời hẹn

mình em đêm

có biết em đã qua những bờ sông hoang dại

những dãy núi cheo leo

tìm thấy anh

rừng đã ở trước mặt

bầy sói dữ tợn cuồng điên

có thể bầy sói xé nát em

cũng đừng bắt em ra khỏi giấc mơ

em chỉ tồn tại khi bên anh

dẫu chỉ là tưởng tượng…

Lương Kim Phương (Trường THPT Trần Hưng Đạo, An Lão, Hải Phòng)

XẾP HÀNG

(Tặng G.N.V)

Trong sân trường im vắng

tiếng ve gọi bọn trẻ ngày ấy về dưới nắng

bắt chúng xếp hàng theo kỉ niệm

thành một hàng thơ bé thuở mười lăm…

Ba đứa trẻ giữa mơ hồ vị trí

trước hay sau trong tiếng trống xa vời!?

- Mình cứ xếp theo vạt nắng nghiêng. Có thể

thật nhiều lá vàng mến mộ sẽ sang chơi...

- Hãy sắp hàng nương chiều gió!

thời gian đưa thơm thảo một miền hương

- Thôi cứ đứng trước sau theo tuổi:

tuổi chị tuổi em tiếc nuối buổi tan trường...

Những đứa trẻ xếp thẳng hàng trước phòng học cũ

dưới khung trời lóng lánh áng mây xa

đứng tưởng tượng giữa thầy cô bè bạn

vượt lên trên giới hạn tháng năm. Và...

Bọn trẻ sớm Xuân đưa tay hái

những nụ nấm non tơ kí ức học trò

mọc nức nở giữa cánh rừng nguyên thủy

lớn bâng khuâng bao nông nổi hẹn hò...

Rồi cất bước thấp cao

không theo lối hàng nào nữa

để bụi bay

                   lấm láp

                                  áo mơ xưa...

                                  *Tháng Giêng 2015

Nguyễn Minh Hùng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng)

GỬI CHIỀU CHO ANH

Gửi anh

Một chút nắng hồng

Một con đò nhỏ

Sang sông

Mỗi chiều

Gửi anh

Chút gió hiu hiu

Chút mây lãng đãng

Chút chiều

Bâng khuâng

Gửi anh

Chút men lâng lâng

Chút nho đã ủ

Say nâng

Bổng

Chiều.

Lê Phương Lan (Trường THCS Tân Phước Khánh - Tân Uyên - 
Bình Dương)

CÓ MỘT LÀNG VÙNG SÂU

Đàn ông lờ đờ đàn bà vật vờ                   
Bên cái đầu trâu nằm quắc cần câu                    

Rượu cần đã nhạt nhà rông đã bạc
Bó ngô giáp hạt giắt vào chỏng chơ                    
Mùa khô mót củi mùa mưa nằm chờ                         
Rừng làng thoải mái đất làng mênh mông                    
Đang mùa bỏ mả đang mùa chiêng cồng                   
Trẻ con tồng ngồng già làng líu lưỡi                    
Chiếc xe cọc cạch con đường đỏ quạch                   
Xe nào ì ạch là xe của làng                    
Vực sâu mặc vực đèo quanh co đèo                   
Mấy thớt gỗ lậu bụi mờ vút theo                    
Có đoàn cán bộ lâu rồi xuống đây                   
U-oát lóng ngóng giữa con suối gầy                    
Tiếng mình tiếng ta được lần ngọng nghịu
Người hiểu không nghe người nghe không hiểu
Có anh mười tám gầy như tượng mồ
Mười sáu có cô tay bồng lưng địu                    
Có anh y sĩ học rồi đi luôn                   
Có cô giáo trẻ nhớ nhà ngồi buồn                    
May mà trên tỉnh cấp cho tấm tôn                   
Nếu không mưa xuống ướt hết còn gì                     
May mà trên huyện cấp cái ti vi
Nếu không tối tối cả làng làm chi
Trẻ con càng lớn già làng càng già
Rồi mùa giáp hạt lại về làng ta.

Hương Đình (Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai)

Các nhà giáo
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.