Triết lý Khép - Mở trong sáng tạo nghệ thuật trẻ…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI |

Báo LĐCT đưa chủ đề bình luận đặc sắc cho số Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu. Trong chủ đề mở này sự sáng tạo nghệ thuật trên tinh thần Mở, trong tác phẩm của văn nghệ sĩ trẻ. Trên tinh thần văn hóa phương Đông, Khép - Mở là một cặp phạm trù ngời sáng sự chuyển hóa âm dương.

Tôi cảm nhận rõ chuyển động sinh sắc ấy của Khép - Mở nghệ thuật trong 3 chủ thể trẻ, với sáng tạo tác phẩm nổi bật mấy năm qua, nhất là năm 2016: Nguyễn Hoàng Điệp đạo diễn phim truyện, Chu Thùy Anh truyện ngắn, và Nguyễn Phi Phi Anh đạo diễn nhạc kịch…

I. Nhân vật trẻ của Nguyễn Hoàng Điệp đang đập cánh

…không phải trên trời (theo nghĩa nản lòng nhất của cụm từ này, là “chuyện trên trời”. Theo gợi nghĩa hình ảnh của Điệp là mở tung, vẫy vùng trên cao lộng gió, như tên phim: “Đập cánh giữa không trung”. Bởi bộ ba nhân vật chính của Điệp đều là người tỉnh lẻ, lên trọ học và làm việc ở Hà Nội. Họ đang tập bay, rè rè cánh non trong tuổi trẻ đầy hoang mang của mình, khi buộc phải va đập mạnh với đời sống xa lạ, phức tạp, khắc nghiệt cơm áo gạo tiền của thị thành, khiến họ triền miên bế tắc, lúng túng, khắc khoải, trong học hành, làm ăn và yêu đương. Nguyễn Hoàng Điệp đã chiếu rọi vào bộ ba trẻ ấy một cái nhìn điện ảnh đằm sâu và rực rỡ, vừa thấu suốt, thương cảm, vừa khoan dung, tinh tế và thật rộng mở, khởi đi từ chính tâm thế và trải nghiệm của mình - cũng là người trẻ. Điệp tự viết kịch bản phim, đạo diễn bộ phim độc lập đầu tay của mình, với cách làm phim độc hành, cùng cách nghĩ hoang mang, như chính tâm trạng nhân vật trẻ của Điệp, đang hoang mang… đập cánh trong phim. Oái oăm thay, chính cách làm phim độc đáo ấy của Điệp đã đem đến cho Điệp thành công vượt ngưỡng của phim truyện đầu tay dài 100 phút, (được nhiều giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước), với thông điệp phim vừa mang nghĩa thẳm như vực sâu, vừa vươn cao, trong xử lý hiện đại của tư duy đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp.

Cảnh phim "Đập cánh giữa không trung". 

Tư duy điện ảnh của Điệp rất mạnh, khi tự thiết lập ngôn ngữ dàn dựng hình ảnh phim truyện trên chính con chữ phi vật thể trong kịch bản của mình, nên Điệp đã biết tự kể bằng phim một truyện ngắn không cốt truyện do chính mình viết.

Điệp không ưa kể lể đầu cuối một chuyện tình theo tuyến tính thời gian, nên chuyện phim đã hiển thị đặc biệt nhiều cảnh yêu đương trai gái trần trụi của đôi tình nhân, nhân vật chính trong phim. Với thông điệp về sự hoang mang tình ái của nhân vật trẻ, Điệp không né tránh cảnh nóng trong phim. Phim Điệp kiệm lời thoại, chăm chú kết dính chuỗi hình ảnh về tâm trạng nhân vật đầy ngổn ngang, rối bời.

Tôi thích nhất nhân vật cô sinh viên tỉnh lẻ Huyền (Thùy Anh diễn thật tinh tế, hồn nhiên và thật lạ, là diễn rất trong trẻo). Nhân vật Huyền đầy hoang mang về bản thân này thường thích đi đứng trên bờ tường cao chênh vênh mái phố, thích cùng người yêu leo lên cần cẩu xem chàng thay bóng đèn trên cao lộng gió, và cứ có dịp là bỏ phố lên núi cao mờ sương… Nhân vật nữ thích độ cao lãng mạn này của Điệp đã chứa đựng một ẩn dụ sâu sắc về hình ảnh: Thích lên cao để vùng vẫy, để mở tâm hồn đón gió trong bao la trời cao, mây trắng, vì dưới đất kia chật chội và bế tắc! Các cảnh huống lên cao này đã ám ảnh người xem, chạm vào trái tim người xem một nỗi buồn sáng, khi nhân vật của Điệp biết tự mình đào thoát khỏi nỗi sợ hãi, và thật khỏe mạnh, bởi cô chưa bao giờ nghĩ đến tự tử.

Dù không chốt phim có hậu bằng việc cho nhân vật chính giữ lại con, trong tiệc cưới thông thường, nhưng, bộ phim đã kết thúc Mở theo đúng triết lý Mở của phim Nguyễn Hoàng Điệp: Dù sa sảy, vấp ngã, lầm lạc, hoang mang, đơn độc nữa, nhưng người trẻ vẫn tìm thấy điểm tựa cuối cùng là chính bản thân mình. Bởi chăng, người trẻ hôm nay sẽ phải tự mình vịn tựa vào bản thân để trưởng thành, tự mình mở cánh lãng mạn bay lên và đập cánh trên bầu trời xanh ngát trên cao. Tôi ao ước người Việt trẻ xem phim sẽ tìm được cách đập cánh riêng, vì nếu người trẻ không đập cánh giữa không trung bao la rộng mở, thì đập cánh ở đâu?

II. Đừng vội khi đọc Chu Thùy Anh

Người Hà Nội hay đùa, hài hước và sảng khoái: “Hà Nội không vội được đâu”.

Tôi thú vị dịch chuyển cái hài hước ấy sang việc đọc Chu Thùy Anh, khi phát hiện cái đọc của mình, trong nguyên lý giản dị: Đọc truyện Chu Thùy Anh phải… đọc chậm. Không thể vội!

Vì sao đọc chậm, nhất là khi Chu Thùy Anh đã xuất bản liền hai tập truyện ngắn đầu tay: “Vé một chiều”, NXB Hội Nhà văn, năm 2015 và “Xanh”, NXB Văn học, 2016. Điều ngạc nhiên là hầu hết truyện ngắn này đều khởi đăng từ tuần báo LĐCT, rồi mới in thành hai tập truyện liên tiếp. Mà tôi và nhà báo Đỗ Quang Hạnh, phụ trách LĐCT, từ chục năm nay, đã thay nhau viết sapo (chapeau) 200 chữ cho truyện của Chu Thùy Anh. Giữa năm 2016, tôi mới tường mặt Chu Thùy Anh, trong quán Nga Giấc mơ nhỏ, phố Phạm Sư Mạnh, nhỏ như một ngõ xinh nhan nhản ở Hà Nội.

Trưa Hà Nội thong thả xa ngân tiếng chuông Nhà thờ Lớn, tôi đến trước Hạnh, kinh ngạc thấy cô gái sinh 1985 xinh xắn, nở nụ cười chào đôn hậu, trang phục hiện đại, ngồi chờ sẵn rất đúng giờ, ngay cạnh những bông lúa mì Nga hắt sáng từ tranh tường phía sau lưng. Hạnh bận việc tòa soạn, đến sau cùng. Một bữa trưa kiểu Nga thuần, ấm cúng, thân mật, và không biết vì sao, cả ba đều quay về chuyện ly hôn, như một chủ đề đẹp và buồn, đơn giản và phức tạp như chính đời sống. Hóa ra cả ba: Thùy Anh, tôi và Hạnh, được cô cháu gọi vui là bà cụ và ông cụ, đều đã… ly hôn, thành ba kẻ độc thân, theo cách gọi hiện đại là gia đình đơn (chỉ có hoặc vợ hoặc chồng, sống với con). Lạ thay là cả ba, chả ai buồn thảm, cùng bằng lòng chấp nhận số phận. Cũng lạ thay, đây là điều óng ả nhất trong cái viết cô đơn của chủ thể viết cô đơn Chu Thùy Anh về tình yêu trong hàng chục truyện tôi từng đọc, và từng viết sapô cho cô. Trí nhớ tôi quay lại một sapô của mình ngày trước, được đề từ cho tập “Vé một chiều” của cô: “Bây giờ, tôi đã thuộc tác giả, không đọc tên, cũng biết là truyện ngắn Chu Thùy Anh. Với phong cách riêng: Tinh tế xa xăm mà gần gũi thân thuộc. Ý tứ nén chặt, đong đầy dưới một giọng kể thì thầm, mơ hồ, song thật lay động tâm trí không dễ lay động của người đọc hôm nay. Đó quả là cách viết nghiêng hẳn về trí tuệ và thật dân chủ”.

Ai đó từng nói: Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đó. Tôi tin Thùy Anh đã mở rộng cánh cửa trái tim mình, (sau khi phải tự khép lại cái đau đớn mà cô có cách giấu rất kỹ trong đời sống hôn nhân riêng tây), để mặc lòng cho chất liệu cuộc sống hiện thực tự do ùa vào truyện của mình và thanh lọc bằng chính trái tim nhạy cảm của mình. Cuộc đời cứ như từ từ chạm khẽ và lên hương trong trực giác bén nhạy và tươi tắn của Thùy Anh và tự nhiên đọng lại thành mật ong vàng óng ngọt ngào tinh túy mật hoa trong truyện ngắn Chu Thùy Anh. Nhu cầu viết của Thùy Anh cũng tự lên hương như thế, tự nhiên óng mượt mật ong sóng sánh như thế, nhờ chính cô đã mở rộng tâm hồn đón gió cả Đông lẫn Tây. Cô đã sống ở Hà Nội cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Và từng theo học ngành vật lý ở Paris trong dăm sáu năm, dĩ nhiên, văn chương của cô mang ảnh hưởng xa xăm và tinh tế của văn chương Pháp và cả văn chương Nga. Tuy nhiên, nhân vật và phong vị truyện ngắn của cô, bao giờ cũng mang tâm thế Việt phương Đông, và như vẫn phảng phất cái tình tứ sao trời của hai kẻ yêu đương thơ ngây, thánh thiện, dưới bầu trời lấm tấm đầy sao, với nhiều ngọn gió tình và cối xay gió tình tứ của vùng Provence nước Pháp, trong những truyện ngắn đẫm tình của Alphonse Daudet. Và không hiểu sao, những truyện ngắn lãng đãng buồn của Thùy Anh, như “Ngồi trước biển và ăn pizza”, “Đi và Tất niên” trong tập “Xanh”, đã chẳng có bất cứ liên hệ nào, cũng khiến tôi thoáng nhớ bầu trời cao lồng lộng chi chít sao của dải Ngân hà trong “Hoàng tử Bé” của Antoine de Saint - Exupery. Song, thực chất truyện Chu Thùy Anh vẫn hoàn hảo biểu lộ chính mình, trong cái viết để ngỏ, để Mở, cho bạn đọc được cùng Chu Thùy Anh thấm thía trải nghiệm những va đập ấm nóng từ diễn biến li ti xanh bất tận của dòng sông xanh đời sống, đã và đang không nguôi dào dạt cuộn chảy quanh ta. Và chính dòng sông ấy đã chảy trôi thấm thía qua trực giác thật xanh, thật ấm, thật tình của Thùy Anh, trong cái viết thật tươi trẻ và đôn hậu, nhẹ nhõm và trong trẻo của cô.

III. Đạo diễn nhạc kịch Nguyễn Phi Phi Anh - ba trong một

Vì quá mến tài của đạo diễn nhạc kịch Phi Anh mà NSND Lê Khanh đã thốt lên cảm khái trong cuộc họp báo ra mắt dự án “Mộng ước” gồm ba vở nhạc kịch của Phi Anh (lần lượt diễn tại sân khấu L’ Espase, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, thoạt đầu là 35 đêm, sau được nâng lên 39 đêm, từ tháng 10.2016 đến ba tháng đầu 2017), rằng: chỉ cần ba chàng đạo diễn trẻ, có tài như Phi Anh, là sân khấu Việt hồi sinh.

Tôi cũng yêu mến đạo diễn Phi Anh, khi xem hai vở “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”. Và nóng lòng chờ xem vở thứ ba: “Mộng ước không xa vời” mà Phi Anh đang ráo riết tập dượt cho diễn viên, chuẩn bị ra mắt sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, 2017. Và tôi xin điều chỉnh lời khen hơi quá của NSND Lê Khanh. Đúng là nhạc kịch Phi Anh đang lấy được sự hài lòng thưởng thức của nhiều khán giả khó tính thủ đô, nhất là khán giả trẻ. Nhưng một Phi Anh đã giỏi, lại nhân lên ba Phi Anh, cũng chỉ có thể cứu được nhạc kịch, còn kịch hát dân tộc, chèo, tuồng, cải lương và thể loại kịch kiểu Phương Tây, du nhập Việt Nam đã gần một thế kỷ thì sao, có cứu được không? Nhất là cứu sân khấu Việt ra khỏi cuộc khủng hoảng khán giả đã diễn ra dài dài suốt từ cuối thế kỷ 20, nay đã sang cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mà vẫn chưa thấy khán giả quay lại, ngập tràn khán phòng như thời bao cấp đã xa? Vậy, câu trả lời là Không, nhưng hy vọng về sự xuất hiện cơn gió lạ Phi Anh, đã làm sân khấu Thủ đô vốn im lìm, vắng khách, nay nhúc nhích chuyển động thì câu trả lời là Có. Thực tế cho thấy, đêm nhạc kịch nào của Phi Anh cũng đông chật người xem trẻ, và không ít khán giả trung niên, và người đã lên lão ông, lão bà…

Có điều lạ là không ai có thể chập làm một cái nhân vật ngoài đời là Phi Anh với Phi Anh trong nhạc kịch, một mình đảm đương cả ba vai trò: Nhà viết kịch, nhà đạo diễn, nhà tổ chức biểu diễn và truyền thông, bán vé cho cả ba vở nhạc kịch, do chính mình viết kịch bản và đạo diễn. Xem nhạc kịch của Phi Anh, sẽ thấy một khuôn mặt và dáng vóc nghệ thuật hoàn toàn trái ngược với cái hình dong bên ngoài ngây thơ, bé nhỏ của Phi Anh. Và tìm sâu, sẽ thấy một sự thật nghệ thuật đáng kinh ngạc về hành trình nhạc kịch của cậu bé Vàng này (tôi thích cách gọi này), rất hợp với cách dàn dựng mạnh và ấm nóng như lửa cháy của Phi Anh trên sàn tập, và cách tổ chức vở diễn hữu lý, cùng sự thuyết phục và lôi kéo khán giả thông minh của chàng trai trẻ này!

Ngay từ năm 2011, tròn 20 tuổi (Phi Anh sinh 1991), đang là sinh viên ngành sân khấu và điện ảnh trường đại học Hampshire, bang Masachusetts của nước Mỹ về Hà Nội thực tập, Phi Anh đã thú nhận cậu rất sợ hãi, như thể bị bố mẹ bỏ rơi. Cậu cũng không biết bằng cách nào, chỉ với 20 trang A4, trình bày dự án dàn dựng và biểu diễn vở “Góc phố danh vọng”, mà cậu được L’Espase đồng ý cho diễn ba đêm ở đó. Cậu lấy hết can đảm tự viết kịch bản “Góc phố danh vọng”, rồi tự mình lên Facebook chiêu mộ diễn viên. Thế mà cậu đã lần lần vượt khó, tự mình huấn luyện dàn diễn viên không chuyên do mình tự tuyển, tập hợp nhạc công ở các nguồn khác nhau. Đặc biệt, Phi Anh luôn thấy sợ, cậu cũng không biết bằng cách nào đã vượt qua được nỗi sợ… viết, khi lần lượt viết ba kịch bản, đặc biệt, “Đêm hè sau cuối” cậu đã viết một năm ròng. Tự viết, nên rất phóng túng khi tự đạo diễn, và vì thế, cậu đã tự tìm thấy cái hồn cốt Việt trong phong cách nhạc kịch Broadway mà cậu được học tử tế từ Mỹ. Rốt cuộc,việc dàn dựng nhạc kịch của Phi Anh đã thấm thía hồn Việt, xác Broadway, và đã khiến chính cậu tìm được cái chung giữa những vấn đề thế sự của xã hội Việt Nam hiện đại với thế sự toàn cầu. Đặc biệt mê những kết thúc đầy bất ngờ của Phi Anh, khán giả trẻ la hét tưng bừng, vỗ tay rộn rã vì hả hê sung sướng. Đấy, hạnh phúc giản dị và không hữu hạn của người làm nghề đạo diễn nhạc kịch Phi Anh. Và chỉ có khán giả mới có khả năng vô hạn trong việc nới rộng độ Mở của hạnh phúc ấy đến vô biên…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.