Trịnh Xuân Thuận - Nguyên Lê & những bản “nhạc trời”

THỦY LÊ |

Chữ “nhạc trời” không chỉ để ghép chuyên môn của hai ông: Một nghệ sĩ Jazz nổi tiếng tại Pháp và một nhà thiên văn học thành danh tại Mỹ, mà còn là cảm giác của tôi khi ngồi trước họ, trước sự mênh mông của tri thức, tình yêu với nghề, với đời, và ân tình xứ sở... - tựa những bản “nhạc trời” vẳng xuống tự cao xanh...

Cái lý của người chơi Jazz

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được trò chuyện với nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận, khi ông vừa về nước, mới ra cuốn sách đầu tiên về vũ trụ và tiếp xúc báo giới. Nhà khoa học nổi tiếng lại nghỉ tại một căn phòng không thể bé hơn tại một phố cổ của Hà Nội. Có lẽ vì gian phòng chật ấy mà ấn tượng đầu tiên của tôi là ông rất cao lớn, như chính mường tượng của tôi về một nhà thiên văn học. Lần gần nhất, tháng 7.2016, gặp lại Trịnh Xuân Thuận ở Trung tâm Văn hóa Pháp, trong một phòng hội trường khá rộng, tôi lại thấy ông... vẫn thế: Vẫn dáng vẻ hào sảng cùng phong thái đĩnh đạc, minh triết - như một minh chứng cho giả thuyết thời gian dừng lại. Duy khả năng sử dụng tiếng Việt của nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt lại có vẻ kém đi. Có lẽ theo thời gian, thứ tiếng ông sử dụng hàng ngày (tiếng Anh) và viết sách (tiếng Pháp) - mỗi lúc một dày lên, đã phần nào làm khó vốn tiếng Việt không mấy khi dùng của ông, dù sau này, ông về nước dày hơn, tiếp xúc báo chí nhiều hơn.

Nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận.

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyên Lê ở ngoài đời, trong một chuyến về nước lặng lẽ của ông hồi tháng 8.2016 lại diễn ra tại một không gian đẹp và thoáng đãng. Nơi ông chọn nghỉ là một căn biệt thự Pháp cổ, nằm trong một con hẻm cụt ở quận 3, TPHCM. Khi tôi đến, nghệ sĩ Jazz người Pháp gốc Việt đang ngồi ăn sáng ở hàng hiên cùng vợ ông, một nghệ sĩ piano người Pháp có phong thái duyên dáng, bất chấp tuổi già. Trông họ thật thảnh thơi và an nhiên giữa một bảng màu sáng với trắng của ghế, xanh của cây và vàng của nắng. Nó làm tôi bất giác nhớ lại lúc tôi chào nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận ra về, tầm một tháng trước đó, tại L’Espace Hà Nội, thì gặp vợ ông đang ngồi chờ ở hành lang. Trông bà hiền quá đỗi, vậy mà khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về đời thường của nhà thiên văn học qua lăng kính của người cùng nhà thì bà nhất quyết từ chối. Vợ Nguyên Lê cũng ngồi chờ ông ở hàng hiên, trong suốt mấy tiếng đồng hồ tôi phỏng vấn chồng bà, nhưng dáng điệu thảnh thơi của người đàn bà Pháp không khiến tôi áy náy như khi tôi nhìn thấy vợ của nhà thiên văn. Bà có một dáng ngồi buồn, theo như tôi cảm thấy. Vợ ông Thuận dạy toán và vật lý. Nhà thiên văn học thú nhận: “Tôi may mắn có được một người vợ tận tụy lo toan mọi thứ cho mình trong cuộc sống riêng. Nhưng tôi hầu như rất khó để chu toàn với vợ, dù là những chăm sóc nhỏ nhất, như đưa bà ấy đi ăn tiệm, đi xem phim ở ngoài... Người phụ nữ bên cạnh tôi phải hy sinh những điều bình thường như thế...”.

Cả hai cặp vợ chồng đều không có con. Khi tôi lỡ miệng nhắc tới điều tế nhị đó, nhà thiên văn học đáp lời bằng một thứ tiếng Việt khó khăn, với một câu ngắn nhất có thể: “À, chúng tôi không có...”. Vợ Nguyên Lê có một đứa con riêng, nay đã 30 tuổi, cũng là một nhạc công, người Pháp, từng chơi đàn với cha dượng của mình... “Con cái không thành vấn đề. Đời sống vợ chồng, cốt nhất là biết cách dành bất ngờ cho nhau, ngay cả khi đã quá hiểu nhau rồi...” - người chơi Jazz nói với tôi. Như chính Jazz, vốn hấp dẫn ở sự ngẫu hứng? “Đúng, Jazz mang vẻ đẹp của sự ngẫu hứng, nhưng lại không phải là sản phẩm của sự ngẫu hứng”, Nguyên Lê nói. Trịnh Xuân Thuận cũng nói về Jazz, tại sao không: “Tôi coi vũ trụ như một người chơi Jazz, có định luật nhưng vẫn rất ngẫu hứng, nó thay đổi tùy vào người chơi và người thưởng thức. Cũng vậy, đời người không phải là thứ viết sẵn trong một cuốn sách và không thể thay đổi. Tôi tin mọi thứ đều phụ thuộc vào ý chí tự do của con người....”.

Thế giới thu nhỏ và mở tung

Sự chuyển giao, tiếp nối, vì vậy được các ông tính theo những cách khác. Với Trịnh Xuân Thuận, có lẽ nơi ông gửi gắm nhiều nhất chính là những trang sách, mỗi lúc một dày thêm, về thiên văn học và Phật giáo - hai lĩnh vực tưởng như không liên quan mà dưới những phép liên hệ thông minh, duyên dáng của ông, bỗng gắn bó, giao duyên và trùng khít kỳ lạ. Sống ở Mỹ, nhưng khi viết sách, nhà thiên văn học lại chọn tiếng Pháp. “Đó là thứ tiếng tôi lớn lên cùng nó, tôi hiểu mọi điều qua văn chương Pháp. Khi viết sách, tôi muốn dùng ngôn ngữ văn chương để tạo sự bay bổng, nhẹ nhàng nhằm chia sẻ được với nhiều người...”.

Độ mười năm trở lại đây, Nguyên Lê tích cực tìm về nguồn cội của mình. Năm 2008, ông phát hiện ra mình mắc trọng bệnh, và “từ bấy đến nay là nỗ lực chạy đua với thời gian”. Nhưng động lực chính khiến ông đau đáu tìm về nguồn cội Việt của mình thì lại là một nhẽ khác, sâu xa hơn thế: “Cha tôi (nhà nghiên cứu sử học Lê Thành Khôi) từng nói với tôi rằng: Không có cuộc sống nào là bình thường cả. Ngay cả khi bạn cảm thấy nó bình thường, thì vẫn có nghĩa, còn có điều gì đó bất thường ẩn sâu trong tim bạn, để bạn không thể là một người tẻ nhạt. Tôi nghĩ là tôi đã tìm về Việt Nam, kể từ khi nhìn thấy điều bất thường ẩn sâu trong tim mình.Tôi hiểu Việt Nam cần cho tôi và những câu hỏi của tôi; cũng như tôi cần cho các bạn nghề của mình tại Việt Nam.

nguyen%20le%201.jpg“Cha tôi đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi trên hành trình hướng sự tò mò ra thế giới bên ngoài để nhìn cuộc đời khoan dung, độ lượng hơn. Cũng như ông, tôi luôn cố gắng học cách tôn trọng sự khác biệt....” (nghệ sĩ Jazz Nguyên Lê).

Đó là điều khiến tôi muốn được trở về nhiều hơn nữa để có thể kết nối và chia sẻ...”. “Chính bố tôi là người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi trên hành trình hướng sự tò mò ra thế giới bên ngoài để nhìn cuộc đời khoan dung và độ lượng hơn. Cũng như ông, tôi luôn cố gắng học cách tôn trọng sự khác biệt....”.

Rời Việt Nam năm 1966, lúc đầu là tới Thụy Sĩ, sau đó là Pháp rồi định cư tại Mỹ, Trịnh Xuân Thuận nói rằng, hành trang mà chàng trai 18 tuổi mang theo lúc ấy là “những thứ căn bản mà một người Việt Nam trước nay vẫn thường có: Đạo Phật, những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt; sự đùm bọc của gia đình, họ hàng… Những nền tảng tinh thần đó thực sự là bệ đỡ giá trị giúp tôi vượt qua những năm tháng đầu cô đơn nơi đất khách”. Và trong khi nhà thiên văn học cùng những đồng sự của ông cố gắng kéo trăng sao về gần với trái đất thì Internet đồng thời cũng nỗ lực thu hẹp những khoảng cách địa lý: “Thế giới bây giờ đã được thu nhỏ lại, một cách vô cùng đáng kể, so với thế giới của tôi hồi ấy (một lá thư tay có khi phải chờ cả tháng mới tới). Trái đất trở thành một cái làng nhỏ vừa khiến con người trở nên gần gũi, thân quý nhau hơn, nhưng cũng trở nên xa cách hơn, vì sự ganh đua và cảnh giác…”.

Khác Trịnh Xuân Thuận, Nguyên Lê mở mắt ra là... đã thấy nước Pháp, ông không phải trải qua những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi những lá thư tay từ người thân, nhhưng lại từng trải qua sự loay hoay của việc tìm đường: “Tận đến năm 12 tuổi, tôi vẫn hết sức thờ ơ với âm nhạc. Tôi thích vẽ từ bé và bố mẹ tôi cũng đã nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một họa sĩ. Tôi cũng thích triết học. Nhưng rồi một ngày nọ, tôi được nghe ock và phải lòng nó tới mức đã tự mày mò để chơi bằng được. Rồi tôi khám phá ra một điều… rất cũ rằng, nếu đi theo âm nhạc, tôi sẽ được sống trong một thế giới vui tươi với rất nhiều cộng sự...”.

Nghệ sĩ Nguyên Lê (trái) và Ngô Hồng Quang kết hợp trong Hanoi Duo.

Thế giới với sự kỳ diệu của nó đã được mở ra theo cách riêng của mỗi người. Nhưng thế giới đôi lúc cũng đã thật tệ hại vì những cú va quệt không đáng có của nó. “Quy luật của vũ trụ là cái nhỏ luôn rơi vào cái lớn, cái lớn bao trùm cái nhỏ, nhưng điều đó diễn ra một cách tự nhiên và hồn nhiên do lực hấp dẫn của vạn vật, chứ không phải do tâm địa các thực thể tạo ra. Còn thế giới loài người thì khác, con người hại nhau là do mưu đồ và dã tâm của họ, mà quên rằng, chúng ta thật ra đều là “con cháu một nhà”. Chúng ta được ban tặng một “năng lực phi lý”, đó là năng lực hiểu được thế giới. Liệu có thể, đó là để tạo ra cho thế giới một ý nghĩa không?” - nhà thiên văn học trăn trở. Nghệ sĩ Jazz Nguyên Lê thì nói rằng, năm vừa rồi, ông thực sự bị ám ảnh vào cái ngày Paris bị khủng bố, rồi sau đó là Nice: “Tôi ở Pháp, lúc đó, và tôi thấy thật là khủng khiếp. Dù từng có những dự cảm bất an nhưng khi điều tồi tệ đó xảy ra, tôi thực sự vẫn không thể hiểu được vì sao người với người lại có thể đối xử với nhau như thế, như là thế giới đã đi đến tận cùng của sự hỗn mang vậy...”

Thế giới cần được đổi thay bằng tầm nhìn và thế đứng, chứ không phải là những mưu đồ. Trịnh Xuân Thuận cho rằng, kính thiên văn thật ra không chỉ cần cho những nhà khoa học như ông mà cả các nhà lãnh đạo: “Nhìn xa chưa chắc đã thấy những gì nhỏ nhất, nhưng ít ra còn trông được rộng, để không đưa ra những quyết định thiển cận. Chẳng có con đường nào là thẳng mãi, nhưng thế đứng của mình thì luôn phải thẳng!”.

“Nhìn xa chưa chắc đã thấy những gì nhỏ nhất, nhưng ít ra còn trông được rộng, để không đưa ra những quyết định thiển cận!” (Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận).
Tin bài liên quan
THỦY LÊ
TIN LIÊN QUAN

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.

Hà Nội trang hoàng dịp kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Nhật Minh |

Hà Nội - Nhiều tuyến phố, địa điểm công cộng tại Hà Nội được trang trí cờ, hoa, pano để chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Nước Sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu tạm đóng

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều tối 1.10, cầu phao Phong Châu phải tạm ngừng phục vụ người dân do nước sông Hồng dâng cao.

Sau lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt

Đinh Đại |

Lào Cai - Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị chia cắt.

Thông tin chính thức về tiến độ đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Xuyên Đông |

Chiều 1.10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc trao đổi thông tin với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.