Trên 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh
Từ năm 2021, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã thống nhất đưa ra chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn thế giới "Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn" như một hành trình kéo dài nhiều năm nhằm truyền tải thông điệp: Tiêu chuẩn cung cấp những giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự hợp tác - thế giới không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững một cách đơn độc.
Trong những ngày này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là ISO, IEC, ITU cùng tổ chức kỷ niệm với các hình thức phong phú đa dạng khác nhau. Hoạt động này một mặt nhằm tôn vinh lợi ích to lớn của tiêu chuẩn trong đời sống kinh tế xã hội trên toàn cầu, mặt khác nhằm khích lệ lôi cuốn mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi thành phần và mọi tổ chức cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Hưởng ứng thông điệp này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KHCN tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14.10) nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về những đóng góp của tiêu chuẩn đối với các mục tiêu phát triển bền vững. Tại lễ kỷ niệm, ông Sergio Mujica - Tổng Thư ký Tổ chức ISO đã truyền tải thông điệp tiêu chuẩn đối với các mục tiêu phát triển bền vững, xu thế chuyển dịch năng lượng quốc tế và trong nước, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy năng lượng xanh... Đồng thời, kêu gọi các bên cùng hợp tác, chia sẻ tầm nhìn chung để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức phải cùng tham gia, đồng hành để đất nước có thể nhanh chóng khôi phục lại mọi thứ tốt đẹp hơn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đại diện Bộ KHCN cho biết, hiện đã công bố hơn 13.500 TCVN, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Trong hệ thống hiện hành, có trên 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh bao gồm: Năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường - khí nhà kính, nhãn môi trường, tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng...
Xây dựng tiêu chuẩn quốc tế
Theo công bố của Liên Hiệp quốc, năng lượng là nhân tố chính gây ra biến đổi khí hậu, chiếm 60% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hơn 1,2 tỉ người trên thế giới không được sử dụng điện, nhưng sản lượng năng lượng trên thế giới đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ tăng lên đến 30% vào năm 2030. Hơn nữa, trái đất đang nóng lên với tốc độ chưa từng có, phần lớn là do các khí nhà kính do con người tạo ra đang gây ra sự tàn phá đối với khí hậu của chúng ta.
Tăng cường hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới đồng thời đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải cacbon. Tiêu chuẩn chính là những công cụ hữu hiệu giúp đạt được mục tiêu này.
Đây là dịp để cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chia sẻ về định hướng chiến lược tiêu chuẩn hóa từ nay đến 2030, trong đó bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, cơ sở dữ liệu; rà soát xác định sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia, địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về hiệu quả của hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN - Lê Xuân Định, Ngày Tiêu chuẩn thế giới luôn là dịp để các quốc gia thành viên của ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, triển khai hoạt động thông tin, tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung
Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, chúng ta đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - ông Nguyễn Hoàng Linh, hiện Bộ KHCN đã công bố hơn 13.500 TCVN, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các giải pháp xanh, liên quan đến việc giảm tác động khí hậu và liên quan đến việc triển khai và thực hiện các giải pháp xanh trên toàn chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển đổi xanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi xanh, giảm tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với khí hậu và phân phối nhiều hơn các giải pháp xanh là lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.
Trong thời gian tới, Bộ KHCN tiếp tục xây dựng nhóm tiêu chuẩn trọng yếu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp; ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa chuyên gia Việt Nam tham gia sâu hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế.