Văn hóa - Xã hội: Biến điều không thể thành có thể

QUỲNH HÂN |

“Tôi không nghĩ rằng bọn trẻ, cách tôi nghĩ về họ, có thể có cơ hội để làm được bộ phim này. Mà cũng chẳng ai có thể làm được. Ở Việt Nam, Bình và Hạnh luôn luôn được khuyên rằng họ không thể làm được. Họ đã vay mượn tiền nong, cho thuê nhà để về ở với bố mẹ Bình. Rồi không thể xin được giấy phép cho tất cả những cảnh quay. Lại còn trang thiết bị, vũ khí quân đội.

Lại còn diễn viên. Và cũng chưa từng có bộ phim chiến tranh nào lại đồng sản xuất với công ty nước ngoài. Họ không có tiền, không có trang thiết bị hiện đại, hay nhân lực. Họ không thể làm được bộ phim này. Ai cũng nói rằng họ không thể làm được. Chỉ có họ không biết rằng họ không thể làm được... Một bài học mà tôi nên học. Hai người này thực sự là Việt Cộng”.

Nhận xét dí dỏm này được trích từ trong cuốn sách “Những bộ phim về chiến tranh - Những chuyến hành trình tới Việt Nam” của nhà văn - cựu chiến binh Mỹ Wayne Karlin, từng là xạ thủ súng máy trên trực thăng, có mặt trên chiến trường Trung Bộ VN hầu như cùng thời điểm và địa điểm với nhà quay phim - đạo diễn Trần Văn Thủy, và hai người đã tham gia diễn lại vai của chính mình trong bộ phim “Vũ khúc con cò” của Công ty Truyền thông Bình - Hạnh - Đan (BHD), khi mà những chủ nhân của nó vừa bước qua tuổi hai mươi. Bộ phim đầu tiên, giống như bài học đầu tiên về điện ảnh, mà họ coi như mối tình đầu… trong sáng, ngây ngô, mụ muội, tham lam, ôm đồm, tốn kém và nhiều cảm xúc. Kịch bản được ghép từ ba mảnh thực tế mà các nhà văn - nhà thơ thân thiết của gia đình Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Duy thể hiện theo một đề cương chung, có bóng dáng một phần câu chuyện thật của gia đình. Một đoàn làm phim với hơn 200 con người đến từ 17 quốc gia khác nhau và do những người trẻ tự nhận là điên khùng lần đầu tiên làm phim điện ảnh, lại là phim về chiến tranh, với những bối cảnh có tới 500 diễn viên, với 13 xe tăng, hàng tấn thuốc nổ, chuyện phim trải dài 25 năm, từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội đến nông thôn, vào chiến trường, cho đến chuyện ở Sài Gòn trong chiến tranh đến những ngày giải phóng, với nhiều tuyến nhân vật chính và cơ man diễn viên phụ, thu tiếng hoàn toàn trực tiếp.

Cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận”.

Đây là bộ phim hợp tác sản xuất với nước ngoài đầu tiên về chiến tranh Việt - Mỹ được quay tại VN, với mục đích để bạn bè quốc tế có cái nhìn gần về những người lính Việt Cộng, khác xa với những gì họ từng nhìn thấy trong một số phim khá nổi tiếng do phía Mỹ sản xuất. Với động cơ đó, những người sản xuất đã mang phim đi dự khoảng 20 Liên hoan phim quốc tế, và bán phát hành ở hơn 30 quốc gia, từng được nhận “Giải phim hay nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Milano (Italia) năm 2002. Vũ khúc con cò thành công tạo cho những người làm phim niềm tin một bộ phim Việt Nam, nếu làm đúng cách có thể có doanh thu lớn từ nhiều thị trường khác trên thế giới.

Cũng với tính cách liều lĩnh, mạo hiểm, quyết đoán chọn những con đường mới, nhiều năm, dù bận trực tiếp đạo diễn nhiều chương trình giải trí lớn trên Truyền hình như “Việt Nam Idol” - Thần tượng âm nhạc VN”, “God Talent”, “Idol Nhí”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Vua đầu bếp”…, Nguyễn Phan Quang Bình vẫn dành thời gian cho niềm đam mê của mình khi đạo diễn các phim nghệ thuật được dư luận chú ý: “Cánh đồng bất tận” (2010), “Quyên” (2014)… Cánh đồng bất tận là một hiện tượng trong thời kỳ điện ảnh tư nhân mới ra đời, khi khán giả rồng rắn đến rạp để xem một bộ phim được làm không dựa trên bất cứ tiêu chí nào của điện ảnh ăn khách: Không chân dài, không đại gia, không hài hước…, mà là câu chuyện về những người nông dân miền Tây nghèo khó, cô đơn, với nỗi buồn mênh mang sông nước. Các diễn viên Dustin Nguyễn, Hải Yến, Ninh Dương Lan Ngọc, Thanh Hòa được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế qua các Liên hoan phim.

Những ngày cuối năm 2016, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, trong khuôn khổ HANIFF - Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4, BHD đã chọn giới thiệu 12 bộ phim - trong khá nhiều phim đã tham gia sản xuất và phát hành - đánh dấu những khoảnh khắc đặc biệt trong những năm tham gia làm nghệ thuật của Công ty, do các đạo diễn hàng đầu trong thế hệ mới của VN làm trong những khoảng thời gian khác nhau của cuộc đời họ gắn bó với BHD. Mỗi bộ phim là một mảng đời sống, một sáng tạo nghệ thuật đầy riêng biệt, cá tính, và quan trọng là đầy tâm huyết, sự nỗ lực cố gắng và đam mê của hàng trăm con người: các đạo diễn, diễn viên chính và phụ, DOP, quay phim, tổ thiết kế, phục trang, âm thanh, ánh sáng, dựng cảnh, kỹ thuật, sản xuất, hậu kỳ, kỹ xảo… Có những bộ phim đoạt nhiều giải thưởng lớn, đạt doanh thu cao và tạo ra được những cảm xúc neo lại trong lòng khán giả: Ngoài hai phim của Nguyễn Phan Quang Bình, có Lưu Huỳnh (Áo lụa Hà Đông), Nguyễn Quang Dũng (Những nụ hôn rực rỡ), Victor Vũ (Cô dâu đại chiến), Vũ Ngọc Đãng (Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt), Charlie Nguyễn (Long Ruồi), Dustin Nguyễn (Lửa Phật), Cường Ngô (Ngày nảy ngày nay), Hàm Trần (Siêu trộm), hai nhà làm phim tay ngang Nam Cito và Bảo Nhân (Gái già lắm chiêu), Ngô Thanh Vân (Tấm Cám - Chuyện chưa kể ). Nhìn lại, các đạo diễn và các diễn viên cùng các đồng nghiệp tham gia sáng tạo đều chung cảm nghĩ chính là BHD đã chia sẻ giấc mơ nghệ thuật, và tình yêu, cũng như đam mê điện ảnh với từng đạo diễn, cả những đạo diễn Việt kiều, với những tính cách và cá tính sáng tạo rất khác nhau. Cùng BHD, họ đã biến những điều ước tưởng như không thể thành có thể. Lưu Huỳnh, một đạo diễn tài năng, say mê điện ảnh, nhiều năm ôm ấp ý tưởng làm bộ phim về chiếc áo dài VN, gắn với thân phận những người phụ nữ trong thời chiến tranh tao loạn, đã bộc lộ: “Nếu như không có cái gật đầu đồng ý đầu tiên của BHD thì chắc “Áo lụa Hà Đông” sẽ không bao giờ hình thành. Tôi luôn ghi nhận tình cảm BHD dành cho dòng phim chính kịch. Nguyễn Quang Dũng, với phim ca nhạc đầu tiên ở VN “Nụ hôn rực rỡ”: “Tôi tự hào (với BHD), tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình”.

Không chỉ sản xuất và tạo điều kiện cho những đồng nghiệp chung niềm đam mê làm ra nhiều bộ phim điện ảnh, chia sẻ niềm vui khi thắng lợi, và san sẻ ngậm ngùi, khi không ít bộ phim thua lỗ, BHD còn được biết đến là một thương hiệu phát hành phim đáng tin cậy. Với 7 cụm rạp hiện đại trên cả nước, nhiều bộ phim VN khó phát hành đã được BHD hết lòng quảng bá và giới thiệu. Không thể quên, buổi ra mắt phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” mùa hè vừa qua, khi 40% cụm rạp không nhận phát hành (vì tỉ lệ ăn chia quá thấp), hai nhà sản xuất họ Ngô: Ngô Thị Thanh Vân và Ngô Thị Bích Hiền đã có một quyết định vô cùng mạo hiểm. May sao, với chất lượng của phim và sự ủng hộ của khán giả, bộ phim không chỉ thu hồi đủ vốn mà còn có lãi kha khá. Nhiều năm qua, các nhà tổ chức các liên hoan phim quốc tế lớn và các hội chợ phim trên các châu lục luôn ái ngại, xót xa khi thấy một cô gái Việt nhỏ nhắn cùng vài bạn gái luôn có mặt, tự tay đóng xây bục bệ, sắp xếp gian hàng chào bán phim VN, không chỉ riêng của Hãng mình. Và nhờ thế, nhiều bộ phim VN đã được chiếu trên nhiều quốc gia. Đó là phần việc Ngô Thị Bích Hạnh thường xuyên đảm nhận, cũng với niềm đam mê, và ý thức học hỏi để tiếp cận và cập nhật những đổi mới của điện ảnh thế giới.

Trong thế giới hoạt động nghệ thuật ở thời điểm nhiều biến động, nhiều khi sự ganh đua, và kỳ thị không được che giấu, khi trưởng thành và có tên tuổi, ai cũng muốn tự khẳng định giá trị của mình quy ra… thóc thật, một tập thể nhỏ có tính chất gia đình, với tình yêu và quyết tâm làm nghệ thuật tử tế, ngoài quy trình công nghệ mang tên BHD, hẳn không thể thiếu chữ Tâm và chữ Tình. Hy vọng đó mới là cơ sở để họ còn đi xa, và cùng những ai yêu nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới.

QUỲNH HÂN
TIN LIÊN QUAN

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.