Chuyện về người chiến sĩ đào hầm bí mật trong nhà giam Phú Quốc

Phố Nhơn |

Nhà giam Phú Quốc trong quá khứ khét tiếng tàn bạo, man rợ bởi những đòn tra tấn tù nhân rất dã man. Trong “địa ngục trần gian” đó, những tù binh cách mạng đã mưu trí, anh dũng, sáng tạo đào khoét các đường hầm bí mật từ trong phòng giam ra ngoài. Một trong số họ là ông Phan Kỳ (tên thường gọi là Hai Lúa, 80 tuổi, ngụ tổ dân phố 6, phường Ia Kring, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Tuyệt thực để đấu tranh với kẻ thù

18 tuổi, chàng thanh niên Phan Kỳ (quê ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) lên đường nhập ngũ. Sau nhiều năm hoạt động điệp báo ở xã Gào (TP.Pleiku) và vùng Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), Hai Lúa bị địch phục bắt trong tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Qua rất nhiều lần dụ dỗ, tra tấn dã man, không khai thác được thông tin gì quan trọng, địch đã bắt ông đi biệt giam tại nhà giam Phú Quốc. Cùng bị đưa đi nhà giam Phú Quốc với ông còn có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ở tỉnh Gia Lai.

Thời gian đầu ở nhà giam Phú Quốc, địch đối xử với tù nhân khá tốt, nhằm mục đích thăm dò, mua chuộc những thông tin bí mật về cơ sở. Dùng nhiều thủ đoạn lừa phỉnh, cám dỗ, tâm lý chiến không được nên chúng đã bắt Hai Lúa và một số đồng chí ở các tỉnh Tây Nguyên đi khai thác gỗ, vác củi ngoài rừng và phục dịch trong các phân khu nhà giam.

Cuối năm 1968, Hai Lúa cùng các đồng chí thuộc bộ phận lao động ngoài trời đã tổ chức vượt ngục trong đêm khuya nhưng không thành. Địch truy lùng, bắt ông và các đồng chí tại một khu rừng ở ven biển Phú Quốc rồi đưa đi biệt giam. Chúng trói tay chân ông lại rồi thay nhau tra tấn khiến Hai Lúa sống dở chết dở cả mấy tháng trời. “Có những lần chúng tôi đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực hơn 10 ngày. Chúng tôi luôn động viên nhau phải kiên định, giữ vững tinh thần và khí tiết người cách mạng, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho dân tộc”, ông Kỳ nhớ lại.

Trước thái độ bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản, thế lực thống lĩnh nhà giam Phú Quốc đã dùng những hình thức tra tấn tàn ác như dùng đinh 10 phân đóng vào đầu gối, lấy đinh ghim vào các đầu ngón tay... Với Hai Lúa, chúng dùng búa đinh đập nát mắt cá chân phải của ông. Sau đó, chúng đưa ông vào nhà B10, phân khu B giam cầm. Năm 1970, địch chuyển Hai Lúa sang dãy nhà B6.

Đào hầm bằng nắp cà-mèn đựng cơm

Sau khi nghiên cứu đặc điểm đất ở Phú Quốc có thể đào được hầm để vượt ngục, Hai Lúa cùng các chiến sĩ thấy thời cơ trong nhà giam Phú Quốc đã đến do quân địch không cảnh giác. Nhớ thời đi làm củi có giấu được đoạn cọc sắt để phòng thân, cuối năm 1972, ông đã liên lạc với các đồng chí đưa đoạn cọc sắt đó vào nhà B6 làm cái thuổng. Có thuổng, có nắp cà-mèn đựng cơm và những chiếc muỗng inox ăn cơm, những người chiến sĩ này đã thay nhau đào khoét đường hầm.

Các chiến sĩ đã sáng tạo nhiều cách để tránh sự phát hiện của kẻ địch. Cứ 3 người xuống hầm, vừa đào, vừa vận chuyển đất lên. Những người ở trên có nhiệm vụ gạt lớp đất khô xung quanh nền nhà, đổ đất mới đào xuống nén thật chặt rồi rải lớp đất khô lên một lần nữa. Chưa hết, đổ đất mới đào lên vào những chiếc thùng phuy đi vệ sinh hằng ngày, rồi bỏ một ít đất mới vào túi quần rồi bí mật đưa ra ngoài khi đi đánh răng rửa mặt...

“Chúng tôi đào hầm trong tư thế ngồi thẳng đứng, lấy hai vai và hai đầu gối trước làm cân bằng. Do không định hướng được đường hầm nên chúng tôi cứ đào được 10m là làm một lỗ thông hơi để quan sát nhằm tránh đào lòng vòng, hoặc đào gần với các điểm chốt canh gác của địch. Sau vụ vượt ngục trong đêm khuya nhưng không thành, lính cai ngục đi tuần dữ hơn nên anh em nghĩ ra một cách, buộc cái lon sữa bò rồi thòng dây xuống hầm. Khi nào lính ngục đi kiểm tra phải giật dây báo hiệu để anh em nhanh chóng lên “điểm danh”. Cứ như thế, ròng rã 3 tháng trời, các đồng chí bị giam ở nhà B6 đã đào thông đường hầm dài hơn 100m, đường kính rộng khoảng 70cm”, ông Kỳ cho biết.

Nhưng khi hầm thông ra ngoài thì đúng lúc trời mưa rất to, nước tràn ngập vào hầm gây tiếng động lớn làm bọn lính cai ngục tỉnh giấc nên sự việc bị bại lộ. Địch bắt toàn bộ tù nhân đào hầm vào các phòng biệt giam, rồi thay nhau tra tấn cả ngày lẫn đêm. Rất nhiều đồng chí đã bị địch đóng đinh, đổ lửa than, thiêu sống, chôn sống. Riêng Hai Lúa bị tra tấn trong thùng phuy, bị đục từng cái răng, chết đi sống lại nhiều lần. Vậy mà địch vẫn không khai thác được gì, chúng đành phải thả ông trở lại nhà B10. Đến ngày 16.3.1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris.

Tuổi già vui với con cháu

Rời “địa ngục trần gian”, ông Kỳ được đưa đi điều dưỡng một thời gian tại Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Đến năm 1974, ông trở về quê nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con làng xóm. Tâm sự với chúng tôi, bà Phạm Thị Liễu (80 tuổi, vợ ông Kỳ) cho hay: “Ngày ông ấy trở về, tôi không tin nổi vào mắt mình. Tôi thật sự sung sướng đến rơi nước mắt, bởi tôi cứ nghĩ ông ấy đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường”.

Sau khi về lại Gia Lai, với nhiều thương tật trên người nhưng ông Kỳ vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu. Sau ngày hòa bình lập lại, ông vào ngành công an, rồi làm Giám đốc thủy lợi Gia Lai… Đến năm 1997, ông về hưu.

Sau khi về hưu, người chiến sĩ cộng sản bị địch tù đày năm xưa vẫn tảo tần lao động, sản xuất trên mấy sào ruộng của gia đình. Giờ đây, 4 người con đã lập gia đình và vợ chồng ông đang ở với vợ chồng người con trai út. Niềm vui hàng ngày của vợ chồng ông là vui vầy bên những đứa cháu, dạy bảo chúng nên người. Dù tuổi cao nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nên mỗi sáng ông đều đọc báo để biết tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước như thói quen đã theo ông từ lâu. “Giờ con cái ra cửa nhà hết rồi nên tôi cũng mừng. Thỉnh thoảng vết thương trong người cũng giở chứng, đau không thể ngủ được nhưng cuộc sống cũng không có gì để phàn nàn nữa”, ông Kỳ tâm sự.

Những công lao của ông Kỳ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng danh hiệu cao quý: Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huân chương giải phóng hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng... Đến hôm nay, người chiến sĩ cộng sản Hai Lúa đã bước sang tuổi 80, nhưng những kỷ niệm của người cảm tử quân vẫn hiển hiện và tiếp sức cho ông vượt qua những vết thương của chiến tranh, để mỗi chiều về, ông lại sum vầy, vui vẻ cùng con cháu.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Người dân huyện Mỹ Đức, Hà Nội khổ vì đoạn đường “nắng bụi, mưa lầy lội”

HOÀNG LỘC |

Gần 2km đường giao thông nông thôn qua ao làng Giữa Quýt nằm trên địa bàn xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã xuống cấp, hư hỏng. Tình trạng “nắng bụi, mưa lầy lội”, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bắt Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng

HOÀI THANH |

Chánh Văn phòng Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng bị bắt giữ để điều tra về việc bị tố nhận 1 tỉ đồng của người dân.

Ủng hộ trên 100.000 đồng được nhận giấy khen, dưới chỉ nhận thư khen

Chân Phúc |

TPHCM - Học sinh ủng hộ trên 100.000 đồng thì nhận được giấy khen còn ủng hộ dưới 100.000 đồng thì chỉ được nhận thư khen.

Bắt khẩn cấp TBT Tạp chí Môi trường và Đô thị cùng một số phóng viên

NHÓM PV |

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ khẩn cấp Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng một số phóng viên, cán bộ về tội cưỡng đoạt tài sản.

Điều khách Tây “choáng” nhất khi đi trên vỉa hè ở Việt Nam

nguyễn đạt |

Khách Tây hóm hỉnh nhận xét vỉa hè Việt Nam có thể dành cho tất cả các hoạt động, ngoại trừ việc đi bộ.

Lộ nhiều sai phạm của doanh nghiệp khai thác đá ở Lâm Đồng

Hoài Thanh |

Lâm Đồng - Suốt nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc đã ngang nhiên khai thác đá ở ngoài ranh giới và phạm vi được cấp phép.

Trình bổ sung 20.695 tỉ đồng vốn nhà nước tại Vietcombank

CAO NGUYÊN |

Phần vốn tăng thêm cho Vietcombank dự kiến sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đầu tư cho công nghệ thông tin.

Nhiều gia đình mang đồ đạc, vật nuôi lên bờ đê chạy lũ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nước lũ về nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay, thậm chí chỉ kịp mang ít đồ đạc, vật nuôi lên bờ đê để chạy lũ.