Chấm dứt HĐLĐ vì không chờ đợi được là sai
Bạn đọc số 01629649XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: HĐLĐ của tôi với Cty là HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 30.4.2017, trên đường về nhà, tôi bị TNGT gãy tay sau đó phải nghỉ điều trị bệnh. Hết hạn nghỉ theo chỉ định của bác sĩ, tôi có xin nghỉ thêm 1 tháng và Cty đồng ý. Đến nay, Cty lấy lý do vì nhiều hàng không thể chờ đợi tôi được, nên thông báo chấm dứt HĐLĐ với tôi. Cty làm vậy có đúng?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm b, khoản 1, điều 38 BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ; Điểm a, khoản 2, điều 38 BLLĐ 2012 quy định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn. Do đó, việc Cty chấm dứt HĐLĐ với bạn là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Bạn có thể gửi đơn đến Phòng LĐTBXH, LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở nhờ can thiệp hoặc khởi kiện Cty ra tòa để được bảo đảm quyền lợi.
Không có biên bản TNGT, vẫn được hưởng chế độ TNLĐ
Bạn đọc số 012978121XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi bị TNGT trên đường đi dạy học nhưng không có biên bản TNGT thì có được hưởng chế độ TNLĐ không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 35 Luật An toàn – Vệ sinh lao động quy định: NSDLĐ và các cá nhân liên quan đến TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra. Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây: a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn; b) Biên bản điều tra TNGT; c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân của NLĐ. Nếu bạn không có biên bản TNGT thì có thể làm đơn đề nghị công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn xác nhận để làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ.
24 năm đóng BHXH, chưa được nghỉ hưu sớm
Bạn đọc số 0913198XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi sinh ngày 20.12.1965. Tôi có 24 năm đóng BHXH, trong đó có 18 năm làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tôi đã đi giám định và bị suy giảm khả năng lao động trên 61%. Tôi có được nghỉ hưu sớm không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật về BHXH quy định, để được nghỉ hưu sớm khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và suy giảm khả năng lao động trên 61% (chưa đến 81%), thì từ ngày 1.1.2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50. Do thời điểm hiện tại bạn chưa đủ 52 tuổi (ngày 20.12.2017 mới đủ 52 tuổi) nên chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm.
Bị xử phạt vì mang theo ba - toong có đúng?
Bạn đọc số 01676808713, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi có mang theo gậy ba toong để đề phòng và bị công an lập biên bản về việc mang theo công cụ hỗ trợ không có giấy phép. Tôi có bị xử phạt không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 9, điều 3, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ liệt kê danh sách công cụ hỗ trợ gồm: a) Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; c) Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; d) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khoá số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; đ) Động vật nghiệp vụ. Trong danh mục này không có gậy ba toong. Do đó, bạn cần làm đơn đề nghị đơn vị công an làm rõ việc mang ba toong mà bị xử phạt là căn cứ theo quy định nào? Nếu không được trả lời thoả đáng, bạn có thể khiếu nại đến cơ quan công an cấp trên.
NLĐ thường xuyên sai sót, xử lý thế nào?
Bạn đọc số 0973269XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Cty chúng tôi có nhân viên thủ kho thường xuyên sai sót. Cty yêu cầu làm bản tường trình thì không chịu làm. Chúng tôi có được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ ngay không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm a, khoản 1, điều 38 BLLĐ 2012 quy định NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Khoản 2, điều 38 BLLĐ quy định, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Do đó, Cty có quyền chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc, nhưng phải báo trước cho NLĐ biết, chứ không thể chấm dứt HĐLĐ ngay tức khắc. Ngoài ra, nếu NLĐ vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật lao động ở mức sa thải thì Cty được quyền sa thải, nhưng phải chứng minh được lỗi của NLĐ và hành vi vi phạm phải được quy định trong nội quy lao động của Cty. Khi tiến hành kỷ luật sa thải phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.