Hãy dùng mạng xã hội một cách có trách nhiệm

Trường Sơn |

Thời gian gần đây, liên tục những vụ tạo ra tin tức giả mạo với nội dung giật gân để câu like, câu share khiến các mạng xã hội dậy sóng. Theo các chuyên gia pháp lý, những thông tin độc hại, vu khống... nếu người dùng phát tán rộng rãi thì hậu quả sẽ rất khôn lường, không chỉ gây rối loạn an ninh trật tự mà còn khiến nạn nhân đối diện nguy cơ khủng hoảng tâm lý, thậm chí dẫn đến tự tử trước áp lực từ “cộng đồng mạng”.

Tung tin bắt cóc, dựng chuyện hiếp dâm để câu like

Từ đầu tháng 7 đến nay, mạng xã hội xuất hiện hai thông tin khiến nhiều người sửng sốt. Thông tin đầu tiên là việc bé Nô bị bắt cóc và thông tin thứ hai là việc hai nữ sinh quê Bình Thuận hiếp dâm đến chết một nam thanh niên. Trong sự việc của bé Nô, lợi dụng sự quan tâm của hàng triệu người sử dụng mạng xã hội kêu gọi tìm tung tích bé trai, nhiều đối tượng đã tung ra những thông tin hết sức giật gân, bám theo sự kiện để được nổi tiếng, câu view, câu like. Theo đó, khi biết rằng sự việc liên quan đến bé Nô đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, một đối tượng bán hàng online đã tung tin rằng có hình ảnh một người ôm bé Nô chạy ngang nhà mình. Ngay sau khi thông tin giả mạo này bị tung lên, chủ nhân của trang mạng xã hội này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Từ chỗ mỗi khi úp thông tin lên trang chỉ nhận được vài like từ người quen bạn bè thì giờ trang của cô này đã tăng like, tăng share “rầm rầm” với hơn 300 người bày tỏ cảm xúc, hơn 400 lượt chia sẻ. Tuy nhiên, khi bị một số người hiểu chuyện phản bác, ngay lập tức chủ nhân trang fanpage này liền hạ thông tin xuống với câu cảm thán: “làm người tốt khó quá”!.

Hay như trong thông tin 2 nữ sinh “hiếp dâm đến chết” một thanh niên tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận do một nam thanh niên tung ra đã khiến rất nhiều hoang mang. Hai nữ sinh từ chỗ đang yên ổn học hành tại TPHCM đã bất ngờ nhận được hàng chục cuộc điện thoại hỏi thăm từ gia đình, tệ hơn là trở thành đối tượng truy lùng của dân mạng. Lâm vào trạng thái trầm uất, hai nữ sinh này không còn cách nào khác là phải nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc để minh oan; đồng thời thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình. Sau khi cơ quan công an huyện Tánh Linh vào cuộc xác minh và xác định việc hai nữ sinh “hiếp dâm đến chết một thanh niên” trên địa bàn là thông tin bịa đặt thì tâm lý của hai cô gái này mới dần được ổn định.

Về phần người tạo ra thông tin bịa đặt ghê gớm này, theo nguồn tin của PV thì chẳng ai khác chính là một nam thanh niên sống cạnh nhà của hai nạn nhân. Do có hình ảnh của hai cô gái này, nam thanh niên trên đã dựng ra một câu chuyện với nội dung chẳng khác gì một bản tin với cái tít rất giật gân, thậm chí là có cả tên tuổi nạn nhân, người gây sự việc này. “Điều nguy hiểm nhất là nam thanh niên này đã dùng hình ảnh hai cô gái chụp chung trên trang cá nhân của họ rồi gán vào đó một thông tin hết sức bịa đặt khiến những người dùng mạng xã hội tin rằng đó là sự thật. Từ đó, họ chia sẻ thông tin một cách chóng mặt khiến hai cô gái vô tội bỗng dưng thành đề tài để người khác nguyền rủa, thậm chí truy tìm ngoài đời thực với một sự bức xúc cao độ” – một luật sư phân tích.

Lợi dụng sự kiện bé Nô, nhiều trang fanpage đã chia sẻ nhiều thông tin chưa được kiểm chứng.

Ảnh: Chụp màn hình

 

Đừng để pháp luật “sờ gáy” bởi nút share vô hồn

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TPHCM (đại diện cho gia đình nữ sinh bị vu khống)- cho rằng hiện nay tình trạng chia sẻ những thông tin độc hại, gây sốc không có căn cứ, thậm chí là thông tin bịa đặt, vu khống danh dự, nhân phẩm của người khác ngày càng nhiều. Theo luật sư Thảo thì theo quan sát của ông, đa phần các đối tượng chia sẻ những thông tin này là các trang mạng bán hàng online, mục đích là để tăng lượng view, like cho trang của mình.

Cũng là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, luật sư Thảo cho rằng mình đã chứng kiến nhiều người lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Cá biệt, nhiều người khi thấy những thông tin gây sốc trên mạng, hoặc những thông tin chưa được kiểm chứng đã vội vàng nhấn nút like và chia sẻ cho bạn bè của mình. “Khi like hay chia sẻ những thông tin kiểu như vậy, chúng ta nên tự kiểm chứng lại tính xác thực vì việc chia sẻ thông tin này sẽ liên quan đến hậu quả pháp lý, khi chia sẻ những thông tin có tính chất xấu thì chính chúng ta đã vô tình trở thành người phát tán những thông đó và nguy cơ bị pháp luật "sờ gáy" là rất cao” – luật sư Thảo chia sẻ.

Được biết, trong sự việc bé Nô bị bắt cóc rồi sau đó sát hại tại Quảng Bình, sau khi vào cuộc điều tra hung thủ sát hại bé trai, cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra xác minh những người tung tin giật gân, bịa đặt. Luật sư Thảo cho rằng, việc cơ quan công an vào cuộc điều tra những người có hành vi này là chính xác và rất cần thiết để răn đe, trừng trị những người cố tình tung tin bịa đặt, vu khống. Trong sự việc hai nữ sinh bị vu khống như đã nêu trên. Theo luật sư Thảo, dù đối tượng tung tin đã ra cơ quan công an đầu thú nhưng với tư cách là người bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho thân chủ, ông đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến Công an huyện Tánh Linh yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra hành vi vu khống của nam thanh niên này.

Được biết, tại Việt Nam đang có hàng chục triệu người sử dụng mạng xã hội. Trong số này, đa phần người sử dụng đều có mục đích tốt nhưng cũng có không ít những người lợi dụng những ưu việt của hình thức giao tiếp này để được nổi tiếng, bán hàng thuận lợi hơn. Để chứng minh điều này không khó khi hầu hết những video đánh nhau, những thông tin chưa được kiểm chứng mang tính gây sốc đều được những trang fanpage có tính chất thương mại chia sẻ "nhiệt tình". Trong thời đại mà những con số like, share trở thành những thứ hái ra tiền thì việc bất chấp tất cả để câu like đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần phải đưa ra những biện pháp mang tính kỹ thuật để hạn chế tối đa sự lan tỏa của những thông tin xấu, độc hàng ngày nhan nhản trên mạng. 

Trường Sơn
TIN LIÊN QUAN

Quảng Trị: Tên trộm vặt bị mạng xã hội nhầm là bắt cóc trẻ em

Hưng Thơ |

Chiều 28.7, Công an huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang tạm giữ một đối tượng đột nhập vào nhà một người dân. Khi bị phát hiện, người dân nghi ngờ đối tượng này bắt cóc trẻ em nên vây ráp, thông tin này được người dân chia sẻ lên mạng xã hội với tần suất quá dày đặc, gây hoang mang dư luận.

CSGT Đà Nẵng nêu tên hơn 6.500 trường hợp vi phạm giao thông lên mạng xã hội

THUỲ TRANG |

Ngày 25.7 vừa qua, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng đã thông tin về số phương tiện vi phạm TTATGT đường bộ qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tính từ ngày 1.11.2016 đến ngày 18.7.2017 có 6.529 lượt phương tiện vi phạm.

Bộ Tài chính xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Mai Ánh |

Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh theo kiến nghị của các cử tri từ 6 tỉnh, thành phố.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.