Theo kế hoạch, tổ chức đa dạng các hình thức chăm lo, trong đó tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cấp trên trực tiếp cơ sở và tại các doanh nghiệp có đông công nhân, lao động. Việc tổ chức các hoạt động phải đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa rộng rãi.
Với chủ đề “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” và phương châm là tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, vui Tết. Theo đó, các cấp công đoàn tập trung nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp dành nguồn kinh phí, quỹ phúc lợi để hỗ trợ chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.
Các cấp công đoàn giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động như: điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc người lao động tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định; chú trọng việc đề nghị người sử dụng lao động thưởng tết cho công nhân, lao động theo đúng hoặc cao hơn mức thỏa thuận; phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả những phát sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động xảy ra trong dịp Tết; hạn chế tranh chấp lao động và ngăn ngừa có hiệu quả đình công trái pháp luật.
Chủ động giám sát các doanh nghiệp việc thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về tiền lương tối thiểu vùng năm 2021; phối hợp với cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp nắm tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động trong dịp Tết; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
Tổ chức các hoạt động đưa được nhiều nhất đoàn viên, người lao động ở xa về quê đón Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, tạo sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn. Tổ chức các hoạt động chăm lo vui Tết; thăm, động viên người lao động không có điều kiện về quê, đảm bảo vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình.
Cùng với đó, tổ chức kịp thời các hoạt động thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động ý nghĩa, thiết thực, đảm bảo đúng đối tượng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Chương trình “Tết Sum vầy” cần được tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp và tổ chức ở nơi có đông NLĐ. LĐLĐ tỉnh tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy 2021” lồng ghép trong Chương trình “Gian hàng dành cho công nhân, lao động”...
Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đón Tết, vui xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Đối với công nhân, lao động phải trực, làm ca, kíp không có điều kiện nghỉ Tết phải thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, không để vi phạm các tệ nạn xã hội hoặc các hoạt động gây mất an ninh trật tự...
LĐLĐ tỉnh yêu cầu các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh, công đoàn cơ sở phối hợp căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện.