Hiện nay hệ thống Công đoàn tỉnh Điện Biên có 10 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố; 3 Công đoàn ngành và 21 Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh, 965 CĐCS có 17.384 nữ CNVCLĐ chiếm tỷ lệ 51,8% tổng số đoàn viên, CNVCLĐ toàn tỉnh; có 13/13 Ban Nữ công công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 558 Ban Nữ công CĐCS với 1.617 ủy viên...
Nữ CNVCLĐ tham gia ở tất cả các lĩnh vực công tác, ngành, nghề trên địa bàn tỉnh, một số ngành lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như ngành Giáo dục trên 65,6%, ngành Y tế 63,7%.
Hằng năm, có trên 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", tổ chức cho nữ CNVCLĐ đăng ký thực hiện các đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm.
Đã có hàng trăm công trình, sảm phẩm, đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được thực hiện do nữ CNVCLĐ đảm nhận và ứng dụng vào sản xuất, công tác quản lý có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, kiến nghị và giải quyết những trường hợp vi phạm hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chính sách đối với lao động nữ;
Đề nghị với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tới đời sống, việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ, đồng thời tạo điều kiện cho lao động nữ được học tập nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ.
Song bên cạnh đó, hoạt động công tác nữ công vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như: Vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
Giải quyết chế độ chính sách đối với lao động nữ ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đúng quy định của pháp luật;
Đời sống vật chất tinh thần của nữ CNVCLĐ công tác ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp nên một số nữ công nhân lao động không có việc làm ổn định, thu nhập giảm, đời sống khó khăn, nhất là nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bà Lầu Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên cho biết - để nâng cao chất lượng hoạt động nữ công trong tình hình mới, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công và phong trào nữ CNVCLĐ. Từ đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Theo bà Lầu Thị Thanh Hương, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước",...
Các các Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền chuyên môn trong công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho lao động; quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện và môi trường làm việc.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng các cấp, các tổ nữ công để làm tốt vai trò tham mưu cho Ban chấp hành CĐCS về công tác vận động nữ CNVCLĐ...