Theo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, đến tháng 5.2023, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa phương là 7.000 người.
Thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nhưng số lượng lao động vẫn được duy trì, các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu kinh tế hiện tại chưa ghi nhận tình trạng lao động mất việc làm.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, 5 tháng đầu năm 2023, có 23 doanh nghiệp với gần 1.000 lao động mất việc, giảm việc làm và nghỉ không lương.
Để ổn định tình trạng lao động mất việc làm và giảm giờ làm tại các doanh nghiệp, các đơn vị tại Quảng Trị đã tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo các chủ trương của Chính phủ đã ban hành; chủ động nắm bắt tình hình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động.
Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, các đơn vị liên quan đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm việc làm xây dựng phương án sử dụng lao động và kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định. Sở LĐTBXH tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các Chi nhánh của Trung tâm tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm ngay cho những người lao động bị mất việc làm. Đồng thời phối hợp với Tổ chức công đoàn hỗ trợ các bên đối thoại, chia sẻ khó khăn; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thu hút số lượng lớn lao động tham gia làm việc để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng đảm bảo theo yêu cầu. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ.