Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM nêu rõ đại dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua đã gây tác động mạnh mẽ đến cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội, đồi sống việc làm của công nhân lao động trên địa bàn TPHCM.
Tổ chức Công đoàn TPHCM đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, tổ chức phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, trong công nhân lao động. Thông qua truyền thông của cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, góp phần giảm thiểu tác hại đến đời sống, việc làm của công nhân lao động. Các cấp công đoàn cũng chủ động chăm lo cho các đoàn viên công đoàn, công nhân lao động phải ngừng việc, giảm sút thu nhập có hoàn cảnh khó khăn.
Trong bối cảnh đó, sự đồng hành của các cơ quan báo chí đã đã giúp cho các chủ trương, chính sách về tuyên truyền phòng, chống dịch, chăm lo đoàn viên công đoàn, công nhân lao động được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đồng thời, báo chí cũng kịp thời giúp cho tổ chức Công đoàn TPHCM kết nối tốt hơn, nắm bắt kịp thời tâm tự, nguyện vọng và chăm lo đầy đủ đối với đoàn viên, công nhân lao động khi họ phải ngừng việc trở về quê hay ở khu nhà trọ.
Báo chí cũng kịp thời lan tỏa những hình ảnh, việc làm thiết thực, hiệu quả của tổ chức Công đoàn TPHCM và gợi ý những vấn đề để tổ chức Công đoàn TPHCM thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho công nhân lao động trong đại dịch.
“Sự tuyên truyền kịp thời của báo chí là nguồn động viên, tạo cảm hứng giúp cho cán bộ Công đoàn TPHCM thực hiện tốt chức năng của mình để chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động trong đại dịch”, ông Trung chia sẻ.
Dịp này, LĐLĐ TPHCM đã trao thưởng cho 18 tác phẩm báo chí. Trong đó, Báo Lao Động có 2 giải thưởng với hai tác phẩm: Khi “Cán bộ công đoàn làm công nhân bốc vác” và “Công đoàn chăm lo thiết thực và hiệu quả cho công nhân” của phóng viên Trần Nam Dương.