Theo đó, ngày 9.10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn chỉ đạo công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới. Văn bản yêu cầu: Đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách, để tập trung cho công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với Áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão). Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức ứng phó.
Bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn và có phương án chuẩn bị cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi kể từ 17h ngày 9.10.
Thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Tổ chức sơ tán dân, khách du lịch ra khỏi các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển. Đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, các địa phương chủ động soát xét và có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa lũ.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình hạ tầng trên địa bàn đặc biệt là các công trình đã bị hư hỏng trong cơn bão số 10 vừa qua, trong đó cần quan tâm lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, nhất là các tuyến đê đang bị hư hỏng chưa được sửa chữa (đê Hoàng Đình, Kỳ Hà, Hòa Lộc, thị xã Kỳ Anh; đê biển Cẩm Nhượng, Lộc Hà, Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên; đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà; đê Hữu Phủ, huyện Thạch Hà; đê biển Hội Thống, huyện Nghi Xuân).
Lúc 17h cùng ngày, ông Trần Đức Thịnh - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh - cho biết, đến 16h30, hơn 6.000 tàu thuyền với hơn 17.600 lao động của Hà Tĩnh cơ bản đã vào nơi trú tránh an toàn. Còn 13 tàu, thuyền đánh bắt trên vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào trú tránh. Ghi nhận của PV, ngày 9.10 Hà Tĩnh có mưa trên diện rộng. Hiện mực nước trên các sông đang dâng cao.