Theo Hội Thiên Văn Việt Nam (VACA), nhật thực ngày 20.4 năm nay là nhật thực một phần.
Hiện tượng nhật thực lần này chỉ có thể được quan sát tại một khu vực rất nhỏ gồm một phần nhỏ của Đông Nam Á và Tây Bắc Australia. Tại Việt Nam, chỉ một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam có thể quan sát được, với tỉ lệ che phủ khá thấp.
Cụ thể, người quan sát tại TP Hồ Chí Minh sẽ quan sát được hiện tượng này từ 10h36 tới 12h06, với cực đại là 11h20 khi tỉ lệ che phủ đạt cao nhất 12,8% (tức là chỉ 12,8% đĩa sáng Mặt Trời bị che khuất bởi Mặt Trăng).
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: "Khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trăng phải gần nhất thì triều cường mới lên mạnh. Còn hiện tượng nhật thực thì Trái Đất với Mặt Trăng thẳng hàng với nhau, trên cùng một quỹ đạo nhưng không thay đổi về khoảng cách nên không gây ảnh hưởng đến thời tiết tại khu vực".
Về triều cường, hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ vẫn đang theo chu kì ngày âm lịch. Trong ngày thời tiết vẫn duy trì nắng nóng, chiều tối và đêm mưa rào, dông vài nơi.
VACA cho biết, nhật thực là hiện tượng hiếm đối với người quan sát ở Việt Nam. Trong khi người quan sát ở các địa phương phía Nam chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội quan sát được 2 lần nhật thực tương tự trong thập kỉ này vào các năm 2026 và 2029 thì với khu vực phía Bắc (chẳng hạn như Hà Nội) có thể nói rằng sẽ không có nhật thực nào khác trong thập kỉ này bởi hai lần nhật thực vào tháng 7.2028 và tháng 1.2030 sẽ có độ che phủ không đáng kể.
Nhật thực đáng chú ý tiếp theo với người ở Hà Nội và các tỉnh thành ở khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2031 - tức là 8 năm nữa.