33 năm đi tìm công lý

TRẦN HỮU |

Ở tuổi 78 nhưng ông Nguyễn Lâm Sáu (phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn minh mẫn, nhớ làu làu những sự kiện trong 33 năm qua trên hành trình đòi công lý không mệt mỏi của gia đình và bản thân.

Hàng ngàn đơn thư ông Sáu gửi tới các cơ quan Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước,Tổng cục Cảnh sát… cuối cùng đã có kết quả tích cực khi Công an tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn nhận sai sót và thống nhất tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Lâm Sáu - một công dân mang thân phận bị can vì chống tham nhũng suốt 3 thập kỷ. Buổi tổ chức xin lỗi công khai được tổ chức vào hôm nay (25.1) tại UBND P.Khánh Xuân.

Sau 33 năm đòi công lý, Công an tỉnh Đắk Lắk thống nhất xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Lâm Sáu vào ngày 25.1. Ảnh: T.H
Sau 33 năm đòi công lý, Công an tỉnh Đắk Lắk thống nhất xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Lâm Sáu vào ngày 25.1. Ảnh: T.H

Gây khó dễ vì chống tham nhũng?

Gần 1 tuần trước ngày Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức xin lỗi công khai đối với trường hợp ông Nguyễn Lâm Sáu về việc Công an tỉnh vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra năm 1985 dẫn đến oan sai, gia đình ông Sáu lặng lẽ sắm sửa ít trái cây, nén hương nhân ngày giỗ mẹ ông Sáu. Ngày giỗ mẹ ông năm nay đặc biệt hơn mọi năm khi án oan của ông đến nay được làm rõ. Trong ngôi nhà nhỏ trong sát Quốc lộ 14, ông Sáu dâng nén hương kính báo người mẹ đã khuất cùng tổ tiên rằng, công lý đã không bị bẻ cong...

Ông Nguyễn Lâm Sáu sinh ra và trưởng thành trong 1 gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Gia đình 6 anh em thì ông Sáu nổi lên là người có tài học cao. Năm 1962, ông được Nhà nước tạo điều kiện sang Liên Xô du học. 5 năm sau, ông trở về nước và nhận công tác tại Nông trường Đông Hiếu (tỉnh Nghệ An). Trong thời gian này, chiến tranh diễn ra khốc liệt nhưng bản thân ông Sáu và cán bộ tại lâm trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau giải phóng, năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước về việc điều động cán bộ có trình độ vào khu vực Tây Nguyên để làm việc xây dựng đất nước, ông Sáu tình nguyện đưa gia đình vào vùng đất mới lập nghiệp. Nghĩ lại thời điểm đó, ông Sáu bảo, không hối hận với quyết định vào Tây Nguyên của mình. “Đất nước mới giải phóng với vô vàn khó khăn. Trong thời điểm đó, tầng lớp tri thức như chúng tôi đều tình nguyện chung tay kiến thiết, phát triển đất nước sau chiến tranh” - ông Sau chia sẻ về quyết định có tính bước ngoặc trong đời mình.

Được điều động vào công tác tại nông trường Ea Kao (Đắk Lắk) nhưng chỉ một thời gian, ông nhận thấy bộ máy hoạt động toàn nông trường bắt đầu trì trệ, nạn tham nhũng xuất hiện. Trong các cuộc họp toàn đơn vị, ông Sáu liên tục đấu tranh, công bố bằng chứng một số cán bộ nông trường có hành vi tham nhũng, hối lộ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nông trường. Trước sự đấu tranh, lên án quyết liệt trong công tác chống tham nhũng của ông Sáu, Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk thời điểm đó nhanh chóng vào cuộc nhằm xác minh sự việc. Trong Báo cáo kết luận thanh tra nông trường Ea Kao số 97 ngày 4.6.1985 khẳng định, phản ánh của ông Sáu là có cơ sở, chính xác: “Công tác quản lý đất đai, thiết bị xe máy, vườn cây, sản phẩm… có nhiều sai phạm nguyên tắc, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa…”

“Sau kết quả này, tôi đã nghĩ lẽ phải, sự thật đã được bảo bảo vệ trước cường quyền. Nhưng mọi chuyện không phải vậy…” - ông Sáu nhớ lại. Qua đợt thanh tra của tỉnh Đắk Lắk, bản thân ông Sáu phải nhận hàng loạt các hành động mang tính trù dập, cản trở trong công tác; ông bị đơn vị điều động công tác bất hợp lý, cắt lương, cắt gạo…

Chưa dừng lại, tai ương nối tiếp tai ương. “Tôi không bao giờ quên cái ngày 14.11.1985, ngày mà tại nhà tôi xuất hiện 2 cán bộ công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk đến lục soát nhà. Qua quá trình khám xét, những cán bộ này thu giữ 1 chai tinh dầu cam đã hỏng. Thế rồi tội bị bắt vì tội … buôn bán hàng trái phép?!” - ông Sáu nhớ lại. Việc bắt giữ này theo ông Sáu là mâu thuẫn, không khách quan khi đối chiếu thời điểm Công an Đắk Lắk bắt, khám xét nhà ông và biên bản khám xét cách nhau 1 tháng (Lệnh bắt có số 08/LB ngày 14.12.1985 trong khi việc bắt giữ thực hiện vào ngày 14.11.1985 - PV). Đáng nói, quá trình bắt và khám xét nhà ông Sáu không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.

Biên bản làm việc ngày 15.1.
Biên bản làm việc ngày 15.1.

Hành trình tìm công lý

Đến ngày 21.11.1985, Công an Đắk Lắk giao cho ông Sáu 1 tờ “Lệnh tạm tha” có nội dung: “Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành “Ra lệnh tạm tha”. Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định”. Theo lời ông Sáu, sau ngày Công an Đắk Lắk ra lệnh tạm tha, vụ việc của ông Sáu đã không được giải quyết rốt ráo hoặc bị rơi vào quên lãng. Kể từ thời điểm đó, Lệnh tạm tha như 1 án treo lơ lửng đè nặng lên gia đình và bản thân ông.

“Động lực nào giúp ông đấu tranh bền bỉ trong ngần ấy năm?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Sáu nói, ông luôn tin vào sự thật. Tin rằng, việc bắt giữ người trái quy định của công an tỉnh Đắk Lắk nhất định được những người đứng đầu nhà nước làm sáng tỏ. Vậy nhưng, để đến được với chân lý, quả thật ông phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt.

“Khi bị bắt vào tù, tôi bị giam giữ chung với những đối tượng phạm tội hình sự. Cái đói, cái lạnh lẽo nơi ngục tối thật sự dày vò tâm can tôi. Cảm giác đó ám ảnh tôi đến nay không nguôi” - ông Sáu nhớ lại 7 ngày ông bị Công an Đắk Lắk bắt giữ. Chưa hết, hàng loạt tai ương liên tục giáng xuống gia đình ông sau khi ông Sáu ra tù… Đó là hàng loạt vụ việc đáng ngờ xảy đến với gia đình ông nhưng đến nay chưa được làm sáng tỏ: Đất thổ cư của gia đình bị nhiều đối tượng lấn chiếm, nhà bị đốt không tìm được hung thủ, bản thân ông bị nhiều đối tượng hành hung… “Vào những giai đoạn khó khăn nhất thì nhiều người tốt đã đến bên gia đình tôi, họ cùng sẻ chia, ủng hộ và đồng hành cùng tôi theo đuổi sự thật” - ông Sáu nói.

Vĩ thanh

Ngay khi đơn thư của ông Sáu được gửi lên Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã gửi công văn, thư tay vào năm 2008 và 2010 đến lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk bấy giờ, yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của ông. Phản hồi Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ra văn bản thừa nhận, Công an Đắk Lắk đã có những sai sót trong việc bắt ông Sáu…

Dù vậy nhưng mãi đến năm 2013, Công an tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định về việc giải quyết đơn khiếu kiện lần đầu đối với trường hợp của ông Nguyễn Lâm Sáu. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra thừa nhận: “Việc tạm giữa ông Nguyễn Lâm Sáu trong 7 ngày (18.11-24.11.1985), đồng thời việc sử dụng sai mẫu Biên bản khám xét và Lệnh tạm tha trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra đối với ông Sáu, dẫn đến ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu. Công an tỉnh Đắk Lắk phân tích, khi Bộ luật Hình sự năm 1985 còn hiệu lực thi hành, trách nhiệm thuộc về ông Bùi Văn Nhị - nguyên Quyền trưởng Phòng An ninh kinh tế - văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk (nay đã nghỉ hưu) và cán bộ trực tiếp thực hiện là ông Bùi Văn Cường.

Từ những phân tích trên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn, nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Trải qua nhiều cuộc thỏa thuận giữa các bên, vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk và gia đình ông Sáu chính thức thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức buổi xin lỗi công khai.

Vậy là sau bao nhiều năm kiên trì đi tìm sự thật, sự việc của ông Nguyễn Lâm Sáu đã được giải quyết đúng tình, đạt lý khi Công an tỉnh Đắk Lắk đã dũng cảm thừa nhận sai lầm và tổ chức xin lỗi công khai về những sai sót của đơn vị thời điểm năm 1985.

Khi được hỏi liệu sau buổi xin lỗi công khai, bản thân và gia đình ông có sẵn sàng tha lỗi trước những sai sót của Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông Sáu tâm sự: “Trong cuộc sống, ai cũng có những sai lầm, quan trọng là chúng ta biết nhìn nhận những khuyết điểm để hoàn thiện bản thân. Tôi sẽ tha thứ cho lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và những cán bộ có liên quan nếu họ thành tâm nhận lỗi và khắc phục hậu quả.”

TRẦN HỮU
TIN LIÊN QUAN

Diễn viên trẻ và áp lực danh hiệu “ngôi sao phòng vé”

NGỌC DỦ |

Từ việc khẳng định tên tuổi với khán giả, nhiều diễn viên trẻ giờ đây còn phải chịu áp lực không nhỏ về kỳ vọng doanh thu phim thông qua danh tiếng của mình.

Tử hình cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Hoàng - cựu Kế toán trưởng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương viết khống 409 giấy rút tiền, séc và ủy nhiệm chi để rút số tiền hơn 246 tỉ đồng.

3 cháu bé trong một gia đình ở Ninh Bình bị mất tích

NGUYỄN TRƯỜNG |

Lực lượng chức năng xã Kim Tân và huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang phối hợp cùng với gia đình để tìm kiếm 3 cháu bé bị mất tích hơn 2 ngày nay.

Thêm giả thuyết chấn động về MH370

Thanh Hà |

Tin MH370 mới nhất cho biết, sau một xác nhận mới về vị trí chiếc máy bay mất tích, một chuyên gia tìm kiếm nhấn mạnh, MH370 "không bị rơi".

Giá vàng cao kỷ lục, vẫn hướng tới đỉnh mới

Khương Duy (Theo Kitco) |

giá vàng đang cao kỷ lục, kim loại quý này được nhận định "sẽ chạm đỉnh mới trong những ngày hoặc tuần tiếp theo".

Đấu giá, hồi sinh nhà tái định cư bỏ hoang

LAN NHI |

Trước tình trạng nhiều dự án xây xong đắp chiếu, cỏ mọc um tùm gây lãng phí, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP Hà Nội phương án đấu giá, thu hồi vốn đối với các dự án nhà tái định cư không sử dụng trên địa bàn. Đề xuất này được nhận định sẽ tạo thêm nguồn cung nhà ở mới cho thị trường, tránh lãnh phí.

Nghệ An bị ngập 274 nhà, thiệt hại hàng nghìn ha hoa màu

QUANG ĐẠI |

Nghệ An – Mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cận cảnh chung cư cũ, xuống cấp chờ được cải tạo ở TPHCM

Chân Phúc - Như Quỳnh |

TPHCM - Được xây dựng từ năm 1968, đến nay chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10) đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng nghiêm trọng.