Mồ mả di dời, xương cốt vẫn ở lại
Sáng 5.8, Công an TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến khu vực núi Hòn Rớ 2, xã Phước Đồng (Nha Trang) tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ việc hơn 100 ngôi mộ bị bốc hài cốt, di chuyển đến nghĩa trang phía bắc Nha Trang nhưng thân nhân không hề hay biết. Vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Thế nhưng, một số PV báo chí khi đến hiện trường tác nghiệp bị một vị công an TP Nha Trang cản trở, mời ra khỏi khu vực.
Chủ các mồ mả cũng lên núi Hòn Rớ 2 tiến hành kiểm tra lại vị trí mồ mả của thân nhân mình. Kết quả, nhiều người nhặt được các bộ phận hài cốt còn sót lại như răng, xương (xương tay, xương sọ, xương sống...).
Người dân đến hiện trường núi Hòn Rớ 2 kiểm tra lại mồ mả của thân nhân mình. Ảnh: Nhiệt Băng |
Sau một hồi cặm cụi xáo lên đảo xuống chiếc áo quan bỏ lại, ông Nguyễn Văn Thành (trú phường Phước Long, Nha Trang) nhặt được chiếc xương tay của người con ruột thứ 3 của mình. Ông Thành mếu máo: "Con tui đánh số bia 113, nhưng quách chuyển ra nghĩa trang phía Bắc Nha Trang lại là số 112. Quách này đúng là của ông ngoại nó. Quách của nó lại lọt qua quách em nó, rồi em nó lại lọt qua người khác. Lộn hết rồi còn đâu nữa".
Trong đống đổ nát còn sót lại trên bề mặt huyệt mộ của mẹ vợ (bà Huỳnh Thị Đắng), anh Văn Dũng (trú thôn Bình Tân, phường Vĩnh Trường, Nha Trang) nhặt được xương sọ, xương sống và răng. "Việc bốc mộ còn sót lại thế này là có vấn đề" - anh Dũng buồn rầu nói. Điều anh Dũng xót xa là: "Chúng tôi không gây khó khăn với chính quyền, chủ đầu tư, nhưng đây là vấn đề tâm linh mà, người mất đi rồi, chút ở lại, chút đi chỗ khác, làm sao chịu được".
Tương tự nhiều người khác, ông Huỳnh Tấn Dũng (trú phường Phước Long, TP Nha Trang) cho biết, ông nhặt được nhiều chiếc răng và các xương đốt tay của bố mình còn sót lại trên huyệt mộ. "Sự việc đã quá rõ ràng rồi. Trung ương cũng biết, Chính phủ cũng biết. Họ đào hài cốt thân nhân chúng tôi lên rồi không chôn cất đàng hoàng. Vậy việc giải quyết hậu quả như thế nào? Tôi đề nghị phải kiểm tra lại các mồ mả xem còn xương cốt hay không để quy tập xương cốt cho đầy đủ và tiến hành xét nghiệm ADN để phân biệt thân nhân, đưa mồ mả ông bà chúng tôi đến nơi đó cho đàng hoàng". Ông Dũng nói rằng, dù rất bức xúc nhưng người dân hết sức kiềm chế và trật tự. "Chúng tôi đi từng cấp một, nếu xã Phước Đồng giải quyết không được, chúng tôi sẽ kiến nghị lên cấp trên. Chúng tôi mong sự việc được giải quyết nhanh chóng chứ không thể để kéo dài mãi như thế này được, không thể ông bà chúng tôi phơi nắng, phơi mưa như vậy" - ông Dũng nói.
Điều ông Dũng thắc mắc là nơi bốc mộ sát đường đi, dân qua lại hằng ngày. Nếu ôm một cái quách, một cái mộ xuống là dân sẽ biết. Một người biết, hàng trăm người dân sẽ biết. "Khi chuyển mộ họ phải đi qua một cái cầu ở dưới để đi ra nghĩa trang. Thế mà, việc chuyển mộ diễn ra cách đây 2 tháng rồi mà dân không người nào biết" - ông Dũng nghi ngờ việc bốc mộ diễn ra ban đêm.
Dân không biết, cán bộ khẳng định "vẫn đúng quy trình"
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng - tiếp tục khẳng định, trước khi di dời, chính quyền, chủ đầu tư thông báo di dời mồ mả trên đài phát thanh, truyền hình của xã và thành phố là đúng quy định. Còn doanh nghiệp (chủ đầu tư - Công ty TNHH Thanh Trúc) đào mộ nhưng không thông báo cho xã là lỗi của doanh nghiệp". Ông Hưởng thừa nhận, người dân cần theo dõi thông tin trên đài nhưng cũng không thể "bắt" tất cả người dân nghe thông báo trên đài được. Trả lời câu hỏi về công tác phối hợp giữa chính quyền xã và chủ đầu tư như thế nào về việc di dời mồ mả, ông Hưởng nói: "Tôi nghe DN báo chuẩn bị thi công, tôi hỏi lại mồ mả như thế nào rồi, họ trả lời di dời rồi thì chúng tôi mới biết" (!).
Nói về hướng giải quyết sắp tới, ông Hưởng thông tin: "Trước mắt, chủ đầu tư đã dừng dự án. Thứ hai, người dân đề nghị xét nghiệm ADN để phân biệt thân nhân thì doanh nghiệp cũng thống nhất rồi. Ai muốn đi xét nghiệm, doanh nghiệp hỗ trợ 100% chi phí. Thứ ba là tiến hành kiểm tra lại số mộ xem có gì sai xót không, hôm nay (5.8), người dân đã kiểm tra rồi. Còn về nơi chôn cất trở lại, sáng nay chúng tôi đã vào nghĩa trang Phước Đồng khảo sát đất đai. Chúng tôi sẽ tiến hành phát quang, cho người dân đến xem. Việc di dời hài cốt đến đây sẽ được thực hiện với tinh thần càng nhanh càng tốt". Ông Hưởng thừa nhận, theo đúng quy trình, chủ đầu tư phải kiểm kê toàn bộ, cấu trúc mồ mả như thế nào trước khi di dời, để sau này tìm được chủ, sẽ làm công tác bồi thường, hỗ trợ.
Trong đống đổ nát còn sót lại trên bề mặt huyệt mộ của mẹ vợ (bà Huỳnh Thị Đắng), anh Văn Dũng (trú thôn Bình Tân, phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) nhặt được xương sọ, xương sống và răng. Ảnh: Nhiệt Băng |
Theo ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang thì dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi Thanh Trúc (núi Hòn Rớ 2, xã Phước Đồng) là dự án chủ đầu tư "tự thỏa thuận" với người dân, còn địa phương chỉ hỗ trợ thông báo di dời trên phương tiện truyền thông, niêm yết tại địa phương. Ông Toàn cho rằng trong sự việc này, chủ đầu tư làm chưa hết trách nhiệm, còn quy trình thì cơ quan nhà nước đã thực hiện đúng!
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Vũ Như Hảo (đoàn luât sư tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hành vi xâm hại mồ mả như vậy có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, người dân có quyền yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc điều tra làm rõ việc làm có dấu hiệu tội phạm này. Ngoài hình sự, người dân cũng có quyền yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự liên quan như các chi phí, bồi thường dân sự...
"Cơ quan nào chỉ đạo làm việc này thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Không thể thông báo trên đài như vậy được. Thông báo như vậy chỉ phù hợp như tìm người mất tích thôi, chứ thông tin trên đài không thể đến được hết người dân. Còn đây mồ mả có chủ sở hữu, chính quyền, chủ đầu tư phải liên hệ gia đình các thân thân bàn bạc, đi đến thống nhất bồi thường, vị trí di dời mộ. Khi làm phải có giám sát của gia đình và thực hiện các nghi thức lễ. Mồ mả chứ đâu phải chuyện nhỏ. Chưa nói đến pháp luật, việc bốc mộ mà dân không biết đã không phải đạo" - luật sư Hảo nói.