Đứng vững trong bão tố

Linh Phạm |

Mẹ bỏ đi khi mới lên 2 tuổi, lên lớp 6 thì cha bị bệnh phong phải chạy đi chữa trị khắp nơi, cha nằm liệt giường nhiều năm rồi qua đời trong một cơn tai biến, cậu bé Lê Thanh Truyền (lớp 12A8, THPT Đức Phổ 1, Quảng Ngãi) phải lớn sớm để kịp làm người đàn ông trụ cột gánh vác gia đình.

Quán xuyến việc nhà, tự đi làm nuôi mình, nuôi em, nuôi ba, Truyền một tay phải đóng nhiều vai trong một gia đình nhỏ. Điều phi thường là Lê Thanh Truyền vẫn là học sinh giỏi nhiều năm liền, đoạt giải nhì cấp tỉnh môn sinh học. Truyền có vóc người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, gương mặt góc cạnh, ánh nhìn cương nghị, em như mầm cây mọc lên trên mảnh đất cằn khô nhưng vẫn đứng thẳng thớm, vững vàng trong bão tố.

Như gà con lạc mẹ

Sau giờ học thêm buổi chiều, Truyền đạp xe bon bon hơn 3km từ thị trấn Đức Phổ về nhà ở xã Phổ Ninh, nếu không có cuộc hẹn với tôi nó sẽ dắt bò ra đồng đến 5 giờ rồi tiếp tục đi dạy thêm để kiếm tiền trang trải. “Thằng Phù Sa đi đâu mất rồi, không để lại chìa khóa”, sau một hồi loay hoay không tìm được chìa thì nó dùng con dao thái thò tay chọt vào chốt cửa. Rất điêu luyện, cái cửa mở ra lẹ làng, Truyền nói: “Nhà em không sợ trộm đâu, vì không có gì để trộm cả”. Đứng ngó quanh một lúc thì đúng là không có gì thật, ngoài sách vở, bàn học, giường ngủ ở nhà dưới, bàn thờ ở nhà trên. Truyền thắp đèn dầu đốt 6 nén nhang, 3 nén cho nó, 3 nén cho tôi. Nó cúi lạy anh linh ba nó rất người lớn, và thành kính như ông trưởng tộc cúi lạy anh linh tiên tổ. Trong làn hương mỏng huyền hoặc đang sưởi ấm linh hồn ba, câu chuyện được Truyền mở ra bằng giọng thản nhiên như lời ba thường dặn nó: “Làm đàn ông phải mạnh mẽ lên!”.

Ngày ấy, ông Lê Thanh Tùng (cha Truyền) ra Huế làm thợ mộc sau nhiều năm tha phương cầu thực ở miền Nam, ông đem lòng yêu cô gái Huế tên Đào Thị Nhỏ. Bà Nhỏ theo ông về quê, một cuộc hôn nhân lệch tuổi khi bà vẫn còn xuân xanh phơi phới, còn ông thì dày dạn phong sương và từng qua một đời vợ. Vợ chồng chung sống trong căn nhà tranh ọp ẹp do mẹ ông Tùng để lại, Truyền và em trai Phù Sa lần lượt ra đời trong cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Khi sinh Phù Sa được 1 tháng 26 ngày thì bà Nhỏ lặng lẽ bỏ đi, cứ nghĩ bà giận dỗi đi một thời gian, ai ngờ bà bỏ con đi mãi…

Con gà con cũng cần nấp dưới đôi cánh gà mẹ, huống chi là người, bấy giờ Truyền và Phù Sa còn quá nhỏ, ông Tùng viết thư ra Huế gọi bà về, nhưng lần lượt 3 lần gửi thư đi đều không có hồi đáp, sự bất quá tam, ông Tùng không tìm bà Nhỏ nữa, một mình gà trống nuôi con. “Phù Sa thiếu sữa mẹ, ba phải lấy nước cơm cho nó uống, chắc có lẽ do thiếu sữa mẹ mà lớn lên nó hơi trầm cảm”, Truyền kể. Câu chuyện đến đây như nghẹn lại nơi cổ họng nó: “Mẹ không bao giờ về thăm em nữa, sau này có nghe đồn là năm đó quê mẹ lụt lớn, có thể mẹ đã chết, hỏi thì ba luôn lảng tránh”. Rồi hai đứa trẻ lớn lên như đôi gà con lạc mẹ. Không biết có phải vì cuộc sống đã xoay Truyền đến chóng mặt, hay tiềm thức mỏng manh của một đứa trẻ chưa đủ thời gian để in bóng hình mẹ, Truyền nói: “Em không biết mặt mẹ ra sao, không hình dung ra được”.

“Làm đàn ông phải mạnh mẽ lên”

“Cuộc sống là một cuộc đấu tranh để sinh tồn”, ba đã dặn Truyền như thế. Tôi vẫn nghĩ người lớn nên dạy trẻ con rằng sống là một hành trình đi tìm hạnh phúc, có lẽ triết lý ấy hơi vô duyên khi rơi vào hoàn cảnh của Truyền, bởi cuộc đấu tranh để sinh tồn của em quá khắc nghiệt. Khi Truyền lên lớp 6 thì ông Tùng mắc bệnh phong hiểm nghèo, chạy chữa khắp nơi cũng không khỏi, cạn kiệt vốn liếng, bị họ hàng xa lánh. Từ đó, ông Tùng nằm liệt một chỗ, gánh nặng gia đình như ngọn núi đè nặng lên Truyền ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới.

 

 

Như lường trước những chuyện sẽ đến, ông Tùng đã sớm “đào tạo” Truyền thành một chàng trai nhanh nhẹn, tháo vát. Truyền biết nấu cơm từ khi học mẫu giáo, biết dắt bò khỏi chuồng và nấu cám heo, biết cắt lúa… Chừng đó là tạm đủ cho một cuộc mưu sinh chật vật. Những ngày đầu ba lâm bệnh, Truyền bị quay mòng mòng như chong chóng, ngoài giờ đi học nó không có một phút nào nghỉ ngơi bởi phải vừa quán xuyến gia đình, vừa lo việc đồng áng, lo thuốc thang cho cha. Thức dậy từ sớm tinh mơ quần quật đến tối mịt, thằng bé mỏi nhừ cả tay chân, đôi khi nó ước một ngày dài hơn 24 tiếng. Rồi thời gian cứ thế thoi đưa, Truyền dần quen với việc phải đóng nhiều vai trong gia đình.

Thiếu vắng người phụ nữ, ba cha con sống một nhà mà như ba tinh cầu cô độc, những niềm riêng sâu kín được che đậy bởi lớp vỏ bọc bên ngoài cứng rắn. “Làm đàn ông phải mạnh mẽ lên”, “con phải tự cứu mình chứ đừng chờ ai cả”, lời cha dặn Truyền như ông sắp chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Rồi ngày đó cũng đến, khi Truyền vừa lên lớp 11 thì cha bị tai biến, ngày cha qua đời, bầu trời trên đầu Truyền như đổ sập, ai đến tiễn đưa ông về thế giới bên kia cũng xót xa khi nhìn nhìn mảnh khăn tang trắng vấn trên đầu hai đứa nhỏ. “Làm đàn ông phải mạnh mẽ lên”, Truyền nhớ lời dặn dò của cha rồi gạt nước mắt bước qua một bi kịch nữa.

Truyền nhớ lại những ngày có ba cha con, tủi thân nhất là những sáng mùng 1 tết thức dậy, hai anh em phải mặc nguyên bộ quần áo của ngày 30. “Ba chỉ kịp may cho em một bộ đồ đi học duy nhất, đó là khi em vào lớp 6, Phù Sa khi ấy còn nhỏ nên toàn mặc đồ cũ người ta cho”, nhìn bạn bè đầy đủ khi có cha có mẹ, đôi khi Truyền lại chạnh lòng như thế. Chỉ đôi khi thôi, vì nó phải “đấu tranh để sinh tồn” cho cuộc sống hiện tại, nó còn là anh cả của thằng em Phù Sa buồn bã. “Những chuyện cũ đã qua rồi, em sống luôn hướng về phía trước chứ không nhìn lại”, Truyền nói với tôi cũng là tự nhủ với mình.

Kỳ tích…

Một ngày của Truyền bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ đêm, 19 tiếng để làm việc và 5 tiếng ngủ. Mỗi đêm trước giấc ngủ, Truyền nhắm mắt lại “lập trình” thời gian biểu cho ngày hôm sau. Truyền bảo: “Em không có nhiều thời gian để lãng phí, nên phải sử dụng thời gian hiệu quả nhất”. Việc nhiều làm không xuể, đến tối mịt Truyền mới tịnh tâm ngồi vào bàn học. Truyền ước mơ làm bác sĩ, ba từng dặn nó rằng bất cứ thời nào thì cứu người cũng là việc thiện. Trước góc học tập của Truyền là bức hình một bác sĩ đang đeo ống nghe, Truyền nhớ lời ba nói: “Khi con muốn làm gì thì phải luôn hướng về nó, không phút nào được sao lãng”.

Ước mơ của Truyền không hề viển vông, bởi gần 12 năm đi học em đã đạt học sinh giỏi 9 năm, năm lớp 9 và năm lớp 11, hai lần được trường cử đi thi học sinh giỏi thì Truyền đều đoạt giải nhì cấp tỉnh môn sinh học. Mới những ngày đầu năm học, nhưng Truyền đã “tính ra” học phí vào trường y, Truyền nhờ anh họ vay 30 triệu đồng mua 2 con bò về vỗ béo kiếm lời. Ngồi tính gốc tính lãi một hồi thì thấy phép tính chòng chành, cộng trừ kiểu gì cũng thiếu… Khó khăn, vất vả lắm, nhưng điều ấm áp còn lại là tình thương của những người không cùng máu mủ ruột rà. Phần thức ăn một ngày được Truyền quy định trong 10 nghìn, các cô bán cá, bán rau ở chợ thương Truyền nên mỗi lần bán đều cho thêm một ít, 5 nghìn cá xay, 3 nghìn rau sống là xong một nồi canh chua cho hai bữa. Gạo thiếu thì hàng xóm cho, sách vở thiếu thì thầy cô hỗ trợ, đến mùa đồng áng thì cả lớp rủ nhau gặt lúa giùm Truyền.

Thầy Nguyễn Quang Hảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, người thầy dành nhiều ưu ái cho Truyền, nhận xét: “Truyền là học sinh giỏi nhất lớp. Với học sinh bình thường thì học giỏi như Truyền là xuất sắc, nhưng với hoàn cảnh của Truyền thì đó là cả một kỳ tích. Truyền là nguồn cảm hứng cho các bạn trong học tập. Riêng tôi, mỗi lần thấy em ở lớp, tôi thấy nghiệp dạy học của mình thêm ý nghĩa”. Đằng sau kỳ tích ở trường và ước mơ làm bác sĩ, Truyền còn một tâm nguyện khác: “Khi thành đạt, em sẽ đi tìm mẹ…”.

Linh Phạm
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.