“Truyền mồ côi” làm nên kỳ tích

Hữu Nhân |

Lê Thanh Truyền ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thi đỗ Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh - một minh chứng cho nỗ lực phi thường của con người chiến thắng số phận nghiệt ngã. Chuyện về cậu bé 10 tuổi mót từng củ khoai để nuôi cha bệnh liệt giường và chăm em thơ khiến nhiều người thương cảm.
Những cô giáo rơi lệ khi kể về cậu học sinh ngất xỉu trên lớp học vì đói nhưng vẫn đạt thành tích xuất sắc trong học tập…

Tuổi thơ bất hạnh

Gần 4 năm trước, người bạn công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Phổ báo tin không thể ngờ: Một học sinh ngất xỉu ngay trên lớp vì bị kiệt sức do đói lâu ngày. Tôi đến Trường THCS Phổ Ninh tìm hiểu. Xác nhận sự việc, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Chi bộ nhà trường và các giáo viên ngậm ngùi kể về hoàn cảnh đáng thương của cậu học trò nhỏ.

Truyền chào đời khi bố bước sang tuổi thất thập và em trai Lê Phù Sa lọt lòng mẹ trong năm kế tiếp. Có lẽ không chịu nổi cơ cực, người mẹ bỏ nhà đi biệt tích khi Truyền vừa chập chững và cậu bé Sa còn nằm ngửa trong nôi khóc khản giọng vì thiếu sữa. Cha của hai em là ông Lê Thanh Tùng (qua đời năm 2013) ráng sức lo cho con thơ cùng người chị gái đau bệnh liệt giường.

Gánh nặng dồn lên vai cậu bé Truyền ở tuổi lên 10 khi cha già bị bệnh nằm liệt giường. Nhà chỉ có hơn sào ruộng, nên sau những giờ lên lớp, cậu tha thẩn ra đồng kiếm từng củ khoai, bông lúa rơi vãi sau thu hoạch. Thêm tí tuổi, Truyền còng lưng đạp xe, cuốc bộ hàng chục cây số vào rừng nhặt củi mang xuống chợ huyện bán lấy tiền đong gạo vào những ngày cuối tuần. Sức vóc bé nhỏ, em nhận làm thuê tất cả mọi việc: Gặt lúa, nhổ lạc, thu hoạch bắp…

Những khi không có người thuê, Truyền lại rong ruổi đạp xe trên khắp các nẻo đường mua - bán ve chai với những đồng tiền lẻ kiếm được thấm đẫm mồ hôi. Trưa và tối, em xin vào phụ chân bán hàng tại một hiệu sách ở thị trấn Đức Phổ kiếm tiền mua sách vở và đồ dùng học tập. 

“Do suy dưỡng dưỡng từ thuở lọt lòng nên em Sa luôn đau yếu và mắc chứng trầm cảm, mọi việc đều do Truyền cáng đáng. Cuộc sống của em khốn khó không thể tả nổi. Giáo viên trong trường cũng chung tay giúp cho em thêm con cá, lá rau nhưng chẳng thấm vào đâu vì cuộc sống của chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn. Bữa cơm của ba bố con thường chỉ cơm độn khoai, sắn cùng bó rau luộc chấm nước tương. Truyền luôn dành phần khoai, sắn, nhường phần cơm cho bố và em” - cô giáo Nguyễn Thị Xuân Anh, nhà bên cạnh, cho biết.

“Đầu năm 2011, khi đang học trên lớp, bỗng Truyền lăn ra ngất xỉu, mặt mày tái ngắt. Tôi cùng với nhiều giáo viên hốt hoảng đưa em đến Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm cấp cứu. Sau vài giờ đồng hồ, bác sĩ cho em xuất viện với kết luận: Do đói lâu ngày nên cơ thể yếu dẫn đến ngất xỉu” - cô Nguyễn Thị Kim Dung kể lại.

Dạo ấy, tôi tìm đến nhà và ghi được những bức ảnh đến giờ vẫn thấy nhói lòng mỗi khi mở máy tính. Cậu bé Truyền gầy còm vừa tan lớp, vội vã đạp xe về nhà chăm sóc cha già bạo bệnh. Những cử chỉ ân cần đã làm vơi đi phần nào nỗi buồn trên gương mặt già nua theo năm tháng. 

Sau đó, Truyền tất tả mang bình bơm thuốc trừ sâu trên ruộng lúa khi bóng chiều tà dần phủ khắp đồng quê. Chiếc bình bơm trĩu nặng trên đôi vai bé nhỏ khiến bước chân em loạng choạng. Trở về nhà, Truyền vội nhóm lửa thổi cơm tối. Ngày mới bắt đầu với em từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc gần nửa đêm, khi mọi người đã yên giấc. Dẫu cơ cực là thế nhưng trên gương mặt em luôn nở nụ cười. 

“Mọi người tốt với em lắm. Thầy cô và bạn bè góp từng lon gạo và ít tiền mua rau, cá mang đến tận nhà. Gặp ngoài đường nhiều người luôn động viên: Ráng lên nghe con! Điều đó đã thôi thúc em ráng sức vượt qua mọi khó khăn…” - Truyền bộc bạch.

Dù gắng cười để “vơi đi nỗi buồn” nhưng cũng lắm lúc nước mắt lăn dài trên gương mặt thơ ngây. Đó là những khi em nhớ về người mẹ thân yêu “có lẽ đau lòng lắm khi phải rời bỏ con thơ”. Em đau đớn khôn nguôi vào ngày cha lìa đời sau 7 năm nằm liệt giường vì bạo bệnh. 

“Cha của Truyền qua đời vào cuối năm em học lớp 11. Khi ấy, em bị sốc nặng và xin phép thôi làm lớp trưởng. Sang năm lớp 12, học lực của em giảm sút, chỉ đạt danh hiệu tiên tiến chứ không còn đạt học sinh giỏi như trước” - thầy Nguyễn Quang Hảo, chủ nhiệm Truyền từ lớp 10 - 12, cho biết.

Kỳ tích giữa đời thường

Nỗi đau buồn và sự vất vả không thể ngăn cản con đường đến trường của cậu bé hiếu học. Ngay từ thuở nhỏ, em đã nuôi chí ráng học trở thành bác sĩ “để chữa bệnh cho cha và em trai cùng với những người đau yếu”. Từ lớp 2 - 12, Truyền luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, trong đó có 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Năm lớp 11, em đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học và năm tiếp theo đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh hội thi máy tính cầm tay môn sinh học. 

Truyền (giữa) cùng với vợ chồng người hàng xóm tốt bụng - anh Vị, chị Bình. Ảnh H.N 

Những tấm giấy khen đã tiếp thêm động lực cho cậu học trò nghèo mồ côi vững bước đến trường. “Hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Truyền giàu nghị lực, luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Em là một học sinh giỏi toàn diện, năng nổ trong các phong trào do nhà trường phát động được các thầy cô và học sinh yêu mến. Em còn là một tấm gương sáng cho những thế hệ học sinh nối tiếp noi theo, ra sức thi đua học tập. Tôi tin rằng, em sẽ thành công trong cuộc sống…” - thầy Hảo nói.

Trong đợt thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học, cao đẳng vừa qua tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), nhiều người thấy cậu học trò gầy ốm lặng lẽ cuốc bộ đến phòng thi bên cạnh những thí sinh có phụ huynh đưa đón. Trong túi em lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 300.000 đồng từ việc còng lưng đạp xe rong ruổi mua - bán ve chai giữa trưa nắng. Biết được hoàn cảnh đáng thương của Truyền, nhiều phụ huynh mua tặng em từng gói xôi hay đĩa cơm lót dạ. 

“Thấy các bạn đi thi được ba, mẹ đưa đón còn phận mình lẻ loi, côi cút nên em buồn lắm, nhưng phải nén lòng để làm tốt bài thi” - Truyền bộc bạch. Và sự nỗ lực sau bao năm đèn sách đã giúp em đỗ vào khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y - Dược TP Hồ Chí Minh với số điểm 24,25 (đã cộng thêm 1 điểm ưu tiên).

Và bao nỗi âu lo

Căn phòng trọ của Truyền chỉ hơn 3m2 nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tân Hóa, quận 6, TPHCM khá ngăn nắp với quần áo, sách vở. Em gắng nở nụ cười tươi đón khách nhưng gương mặt phảng phất bao nỗi âu lo với chặng đường 6 năm đại học để thực hiện ước mơ thành bác sĩ.

“Phòng nhỏ thế này nhưng hàng tháng phải tốn 600.000 đồng thuê trọ, chưa kể tiền điện - nước. Nhiều bạn có gia đình chu cấp thuê phòng rộng, tháng hơn triệu đồng, nhưng em như thế này là đã quá sức rồi. May có cô chú ở phòng trọ kế bên nấu cơm cho ăn bớt được phần nào chi tiêu. Hiện em đang tìm việc làm thêm để có tiền lo cho việc học và gửi về cho em ở nhà. Trước lúc ra đi em có nhờ những người hàng xóm trông chừng nhưng các cô, bác ấy cũng rất bận. Với lại, thường ngày Sa chỉ trò chuyện với em thôi, luôn im lặng với mọi người. Không có em bên cạnh chăm sóc, an ủi sợ bệnh em Sa ngày càng nặng thêm…”.

“Lá rách đùm lá tả tơi”, vợ chồng anh Nguyễn Quang Vị và chị Nguyễn Thị Bình (quê ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã giang tay giúp đỡ chàng sinh viên khốn khó. Anh chị rời quê vào Sài Gòn mưu sinh để lo cho hai con ăn học nơi thị thành. Hàng ngày, anh rong ruổi khắp phố phường hành nghề xe ôm chở khách thuê, chị bán trái cây bên vỉa hè với mức thu nhập phập phù theo mưa - nắng. 

“Dẫu không bà con thân thích nhưng khi biết được hoàn cảnh của cháu, vợ chồng tôi thương lắm. Do phòng trọ quá chật hẹp nên tôi thuê giúp cháu căn phòng bên cạnh. Cơm nước, hằng tháng cháu phụ thêm ít tiền chợ. Chẳng biết vợ chồng tôi giúp cháu được bao lâu vì gia đình cũng rất khó khăn. Nếu các cấp ngành chức năng và các nhà hảo tâm chung tay lo cho cháu học đến lúc ra trường thì tốt quá…” - anh Vị, chị Bình mong mỏi.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ TấmLòng Vàng Lao Động: 51 Hàng Bồ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội; ĐT: 04.39232748/0983.971.2790983.971.279; hoặc chuyển khoản về Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 102010000013374 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội;ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội; tham gia ủng hộ trực tuyến tại website: tamlongvang.laodong.com.vn.

Hoặc liên hệ trực tiếp với em Tuyền qua số điện thoại: 01668957072




>>>CẬP NHẬT TIN NÓNG NHẤT NGÀY TẠI ĐÂY

Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.