Bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1989) bị tuyên phạt về tội Gây rối trật tự công cộng. Tòa xét thấy không cần thiết phải tiếp tục cách ly bị cáo Ngọc Trinh ra khỏi xã hội, nên cho hưởng án treo.
Một bản án được dư luận đánh giá là phù hợp.
Trước tòa, Ngọc Trinh nói: “Bị cáo đã phải trả giá về hành vi của mình, đây đã là bài học đối với bị cáo".
Bài học cho Ngọc Trinh là rõ rồi, nhưng còn là bài học cho nhiều người khác, nhất là những thanh thiếu niên, "cậu ấm, cô chiêu" thích quậy phá, hay gây rối trật tự công cộng.
Nhiều băng nhóm tổ chức đua xe trái phép, "nẹt bô", bóp còi inh ỏi. Xét về hành vi, chẳng khác gì vi phạm của Ngọc Trinh.
Nhiều thanh thiếu niên chạy môtô biểu diễn theo kiểu ta đây "yêng hùng xa lộ", gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác, hành vi cũng như Ngọc Trinh.
Những ai từng gây rối trật tự công cộng, hãy nhìn bản án của Ngọc Trinh tại phiên tòa hôm 2.2 để dẹp ngay thói hư tật xấu. Thanh thiếu niên nên dành thì giờ để học hành, đừng sa vào các loại tệ nạn, các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với những kẻ thích quậy phá, có hành vi gây rối trật tự công cộng, các lực lượng chức năng nên truy quét, xử lý như đã xử lý Ngọc Trinh. Nếu như truy quét các băng nhóm đua xe trái phép, xử lý hình sự những người vi phạm pháp luật, thì chắc chắn sẽ dẹp được nạn "yêng hùng xa lộ".
Lâu nay, chủ yếu là xử phạt, giam xe, nhiều tay đua bỏ xe không cần lấy, mua xe khác để đua. Cho nên, chỉ có tù mới sợ.
Trường hợp Ngọc Trinh, hội đồng xét xử nhận định bị cáo ăn năn hối lỗi, Ngọc Trinh tham gia nhiều công tác thiện nguyện nên được hưởng án treo. Nhưng đối với những kẻ cứng đầu, thường xuyên đua xe quậy phá, thì đừng mơ tù treo.
Gây rối trật tự công cộng không chỉ là đua xe trái phép, mà còn nhiều hành vi khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Ví dụ như những người thích "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", ra đường là gây sự ẩu đả.
Cứ thẳng tay xử lý như Ngọc Trinh thì sẽ dẹp được loạn gây rối.