Tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra một hình thức bạo lực gia đình trước nay chưa nhiều người nghĩ tới. Bạo lực gia đình không chỉ là hành hạ, đánh đập, chửi bới, khủng bố tinh thần, mà còn có cả hành vi ép buộc con cái học nhiều.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái nên ép buộc các cháu phải học đến 2-3 giờ sáng, đòi hỏi con cái cứ phải được điểm 10…, chính là tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Điều này cũng phải xem là bạo lực gia đình. Do đó, dự thảo luật cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập của trẻ em.
Rất ủng hộ với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng ép buộc con học nhiều, thành tích cao, điểm cao là thương con, là lo cho tương lai con cái về sau. Nhưng họ không biết rằng, họ đang có hành vi bạo lực gia đình, mà nạn nhân chính là con của mình.
Những nạn nhân đó chịu đựng ngày này sang ngày khác, áp lực học hành bị đè nặng đến hoảng loạn, chấn thương tâm lý, dẫn đến những hành động dại dột, những quyết định rất đau lòng như chúng ta đã chứng kiến.
Cho nên, dự thảo Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần phải bổ sung quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi bạo lực này.
Hãy để trẻ em sống vui tươi, phát triển thể chất và tinh thần như lứa tuổi của các cháu. Trẻ em thích học mà chơi, chơi mà học, và không chỉ học kiến thức ở nhà trường, mà còn nhiều thứ khác như thể thao, âm nhạc, hội họa, võ thuật và nhiều môn rèn luyện kỹ năng sống.
Học tới 2-3 giờ sáng để làm gì, điểm 10 cho nhiều để làm gì khi các em rất thiếu kỹ năng sống. Chẳng hạn, nhiều em rơi xuống nước là chết đuối, tại sao lại không dành một phần thời giờ để học bơi, để bảo vệ bản thân?
Có học thức, có chữ nghĩa nhưng phải có tinh thần thượng võ, rèn luyện sự tự tin và bản lĩnh trước cuộc sống, biết cách tự vệ và bảo vệ người khác khi cần thiết. Học võ, chơi thể thao giúp cho trẻ em nhanh nhẹn, khỏe mạnh, linh hoạt.
Xin lưu ý thêm, nói như thầy Nguyễn Kim Sơn, cha mẹ ép buộc con cái học quá sức là bạo lực gia đình. Như vậy cũng có nghĩa, nhà trường vì bệnh thành tích mà tạo áp lực học hành lên học sinh cũng xem như là bạo lực học đường.