Đã có nhiều bài học cay đắng về công tác cán bộ, cho nên không thể lặp lại những bài học cay đắng đó nữa.
Mới đây thôi, ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM. Đáng nói, ông Tuấn bị khởi tố chỉ sau 15 ngày nhận quyết định bổ nhiệm cương vị mới.
Bổ nhiệm cán bộ có quy trình, thực hiện theo đúng quy trình, nhưng vẫn để lọt những cán bộ sai phạm từ trước, thì chứng tỏ có lỗi trong công tác cán bộ, ở đây không chỉ trường hợp ông Trần Trọng Tuấn, mà còn nhiều trường hợp khác.
Với những sai phạm của ông Trần Trọng Tuấn, chẳng lẽ các cơ quan Đảng, chính quyền không biết, hoặc biết nhưng tại sao đề bạt, bổ nhiệm.
Có thể những cán bộ thoái hóa, biến chất tạo vỏ bọc tốt, khó bị “phát hiện”, nhưng trên thực tế, không thể che giấu được tập thể. Những ai có “nhúng chàm”, có những biểu hiện bất chính, đều bị nhận diện trong đời sống. Có thể “tai mắt nhân dân” không phải là công cụ điều tra nên không biết cụ thể sai phạm, nhưng có thể nhận biết cán bộ đó là người không tốt, không thể tin cậy để bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Cứ nêu lý do về vỏ bọc, vì thông tin điều tra được giữ bí mật nên không phát hiện sai phạm của cán bộ, thì cần gì đến cái gọi là “công tác cán bộ”. Phát hiện sai phạm là việc của cơ quan thanh tra, cơ quan tố tụng, còn phát hiện người có năng lực, có phẩm chất đạo đức hay không có năng lực, phẩm chất đạo đức kém là công việc của “công tác cán bộ”.
Như trường hợp ông Trần Trọng Tuấn, nếu không bị khởi tố, thì sẽ còn được phát triển, chức càng cao thì càng nguy hiểm hơn.
Điều này không phải là tưởng tượng, mà được chứng minh từ thực tế, đó là Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, mới đây là Trần Vĩnh Tuyến, đều giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Và khi mà một cán bộ có chức vụ cao biến chất, thì họ kéo theo một loạt cán bộ cấp dưới, thậm chí cả một loạt cán bộ chính quyền sai phạm. Nguy hiểm chính là chỗ này đây.
Cho nên, chọn người hiền tài lo việc dân, việc nước mới là thượng sách để xây dựng đất nước.