Đây là lời tâm sự buồn và đầy bức xúc của một phụ huynh. Một, trong ngót triệu gia đình “ngày quên ăn, đêm không ngủ, xót con, xót cả cho mình”. Một trong vô số nạn nhân của “kỳ thi chứng khoán”.
Có người nói sự náo loạn đến hoảng loạn hôm nay còn vượt xa sự bi thảm của hai chữ “vỡ trận”.
Có người ví chỉ số dao động điểm xét tuyển trong một ngày - lên tới 4,5 - đã tạo ra sự căng thẳng và điên loạn hơn cả sàn chứng khoán thời “vỡ đáy”.
Chưa khi nào trong “cuốn từ điển đoạn trường giáo dục” lại có mấy chữ “kỳ thi chứng khoán”, kỷ lục về số lần “đút ra - đút vào”. Và chưa khi nào một Bộ trưởng giáo dục, một người thầy - phải nghe nhiều đến thế hai chữ “từ chức” chỉ sau một kỳ thi.
Để buộc người dân phải tin vào một cuộc cách mạng giáo dục thì có lẽ, không gì dở hơn là khởi đầu bằng một “kỳ thi chứng khoán” đầy lo toan, bất bình, giận dữ. Và cả mệt mỏi, chán nản nữa nếu như muốn nhìn thấy một thông điệp từ hành động quá khích “đốt 4 giấy chứng nhận kết quả thi đại học” của một thí sinh nào đó.
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức nhận trách nhiệm về sự rối loạn trong xét tuyển, cho dù thật khó để coi việc nhận trách nhiệm này là một lời xin lỗi cần thiết.
Nhưng cũng phải công bằng rằng, việc bỏ đi một kỳ thi chính là khởi đầu cho một cuộc cách mạng giáo dục mà những bất cập hôm nay chỉ là từ cách làm trước một điều chưa từng có tiền lệ.
Không có khởi đầu nào là suôn sẻ. Hãy cho Bộ trưởng Bộ GDĐT thêm thời gian, thêm một sự thông cảm để ông dũng cảm bước tiếp con đường biết chắc là còn nhiều chông gai. Bởi nếu hôm nay, chúng ta đồng lõa với những tiếng kêu gào “từ chức” đang ngập tràn dư luận, phải chăng là chúng ta muốn kéo lùi trở lại như những gì của ngày hôm qua!