Nếu không có hẳn một clip khua chân múa tay chỉ mặt rủa xả, có lẽ còn lâu dư luận mới tin đây là những lời lẽ của một cô giáo… đối với học sinh của mình.
Là người ai cũng có lúc nóng nảy, mất bình tĩnh, ai cũng có lúc sai. Nhưng những gì diễn ra sau cái sai đó mới là đáng bàn.
Và báo chí không khó để xác nhận trên trang fanpage chính thức của Trung tâm anh ngữ do cô Lê Na giảng dạy còn đăng một status “cảm ơn” vì được PR không tốn phí.
Chẳng có gì oan uổng khi dân mạng chửi bới, miệt thị không thương tiếc “cô giáo Bọ Cạp”. Cái sai nuốt đã khó trôi. Cách sửa sai, giống như sự thách thức “tao là cung Bọ Cạp”, lại càng không thể chấp nhận.
Chẳng có gì oan khi cư dân mạng sáng tác những bản remix Bọ Cạp, những Bọ Cạp Gangnam Style với điểm nhấn là 3 chữ “cung Bọ Cạp”.
Thậm chí còn có cả thơ. Đại loại: Nghe cô "dạy dỗ" học sinh/ Hồn xiêu, phách lạc sợ kinh cả người/ Giọng cô như tiếng dao rơi/ Ngôn từ chát chúa chợ trời thua xa/ Xưng danh "bọ cạp", nhưng mà/ Phùng mang trợn mắt như là hổ mang/ Đời cô đến lúc sang trang/ Xứng danh đệ nhất đẳng làng chua ngoa!
Nói đến Bọ Cạp, nói đến scandal và ứng xử sau scandal, có lẽ không thể không nhắc tới chuyện một “bí thư” đã làm cho 2 nhân viên có bầu.
Chưa có xét nghiệm AND cũng chưa có kiện cáo gì cả, nhưng vị bí thư đã đàng hoàng - trong một cách thức rất đàn ông - nhận 2 cái bầu đó là của ông, đàng hoàng, kiểu dám làm dám chịu - nhận hình thức kỷ luật “cảnh cáo” dù người ta chỉ đề xuất khiển trách ông.
Trước sự đàng hoàng ấy, chính cư dân mạng cũng nhận ra nhiều điều. Rằng một người đàn ông chưa lập gia đình hoàn toàn có thể mưu cầu hạnh phúc với người phụ nữ chưa kết hôn.
Cái lỗi, khi cùng lúc quan hệ với 2 người có lẽ, nói như dân gian - chỉ là hành vi “bắt cá hai tay” - hay nói như dân mạng (cho thời sự với chuyện Bọ Cạp) là lỗi “song ngư”.
Trong scandal này, người ta còn nhìn thấy nhiều khía cạnh nhân văn khác. Đó là khao khát và quyền làm mẹ của 2 người phụ nữ 33 tuổi chưa từng kết hôn. Và đó là tương lai của những đứa trẻ.
Người đàn ông đàng hoàng ấy, những người phụ nữ và những đứa trẻ trong câu chuyện “song ngư” ấy liệu có đáng phải nhận sự mỉa mai như đối với “cô giáo Bọ Cạp”?