Đã có một số vị lãnh đạo địa phương công khai số điện thoại để nhân dân liên lạc. Chuyện Bí thư nghe điện thoại của dân “lên cơn sốt” dăm bữa nửa tháng là “hạ sốt”. Bởi vì, thật khó cho một ông Bí thư, bận trăm công nghìn việc, nếu suốt ngày nghe điện thoại của dân thì còn thì giờ đâu để làm việc.
Cho nên, ông Đinh La Thăng không công khai số điện thoại để nghe trực tiếp, mà chỉ đạo thành lập một đường dây nóng, có bộ phận tiếp nhận thông tin, tổng hợp và báo cáo cho ông. Cách làm này có tổ chức khoa học, phù hợp với thực tế, có quy trình từ tiếp nhận đến xử lý, như vậy mới hiệu quả.
Chỉ có điều, ông Bí thư “nóng” , dân cũng rất “nóng”, nhưng cấp dưới của ông có “nóng” hay không mà thôi. Hãy chờ xem!
Còn nữa, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo: Thành phố phải cầu thị, tiếp nhận tất cả thông tin báo chí phản ánh, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Với những thông tin phản ánh khách quan, đúng pháp luật về những bất cập, các cơ quan chức năng phải tiếp thu, chấn chỉnh”.
Hai chữ “cầu thị” quá hay. Thông thường, bị báo chí phê bình hay phản biện, nhiều người cứ nhảy lên cho rằng báo chí bêu xấu, còn mình làm rất tốt. Không mấy ai đủ bản lĩnh đứng ra nhận trách nhiệm khi có sai sót hay còn những tồn tại, sẵn sàng tiếp thu ý kiến để chấn chỉnh. Nhiều người vẫn thích lời khen cho êm tai, nay ông Thăng yêu cầu phải nghe báo chí phản ánh cả điều tiêu cực để chấn chỉnh.
Báo chí nghe chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng và hy vọng tất cả các cánh cửa của các cơ quan trong thành phố sẽ mở ra, công khai minh bạch thông tin, lắng nghe và đối thoại.
Chỉ có điều, cánh cửa của Bí thư Đinh La Thăng luôn mở rộng, nhưng nhiều cánh cửa của cấp dưới ông lại không chịu mở. Liệu ông Thăng có thay chủ nhân của những cánh cửa đóng kín đó như ông đã từng kiên quyết và mạnh mẽ "biển báo ở lại thì người phải đi" hay không?