Võ Trường Sơn đã xếp hàng trước cổng Bảo hiểm xã hội Thành phố Thủ Đức từ 23h đêm hôm trước. Lý do, đã 3 lần anh đến đây, từ 3h sáng nhưng đều “hết số” nên lần này Sơn “đi thật sớm”. Sơn, một công nhân 41 tuổi, đã mất việc làm, mất nguồn thu nhập nên đã quyết định rút tiền bảo hiểm xã hội một lần - khoản tích luỹ cuối cùng để trang trải cuộc sống.
Anh Lê Văn Thanh, 39 tuổi, cũng đến xếp hàng từ 3h sáng. Công ty của Thanh đã đóng cửa. Anh không có việc làm, không có thu nhập. Và anh buộc phải rút “của đề dành” khi tiền tiết kiệm đã không còn xu cắc nào cả.
Sơn, Thanh… 2 nhân vật trong một bài báo trên VnExpress, 2 trong số “những đoàn người xếp hàng từ tờ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần”- hình ảnh đã được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc trong một phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Chỉ riêng tại TP HCM, đến 30.11.2022, đã có tới 99.615 người rút bảo hiểm xã hội một lần, trong sự xác nhận từ chính cơ quan bảo hiểm, rằng: Chưa đánh giá đúng thực trạng mất việc và nhu cầu nhận BHXH một lần.
Điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy: Thu nhập của công nhân đã giảm xuống còn 5,9 triệu đồng/tháng, từ mức 6,4 triệu đồng/tháng theo công bố của Tổng cục Thống kê.
Lương giảm, trong khi mức chi tiêu vẫn khoảng 10,3 triệu đồng/tháng. Và trong hoàn cảnh: 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích luỹ, duy trì từ 1 - 3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong đó 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.
Con số 99.615 người rút bảo hiểm một lần, hoặc hình ảnh “những đoàn người xếp hàng từ tờ mờ sáng” chẳng có gì khó hiểu cả.
Rút bảo hiểm xã hội một lần là mất nhiều lắm. Mất rất lớn giá trị tích luỹ, mất của để dành, mất chỗ dựa khi về già... Những điều đó, người lao động đều biết cả. Nhưng họ không có sự lựa chọn nào nữa.
Tại buổi toạ đàm về việc làm cho người lao động hôm 8.12, nhiều ý kiến đề xuất rằng cần có một gói hỗ trợ, như gói hỗ trợ theo nghị quyết 116- cho những người mất việc, bị giãn việc ngay trước Tết này.
“Một miếng khi đói” thật sự là rất cần thiết. Để ít nhất, họ có thể đảm bảo cuộc sống, để họ không phải ăn vào tương lai và cũng để họ khỏi sa chân vào tín dụng đen.