Xin được ủng hộ quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết.
Ai cũng biết thế giới phải vận động, thay đổi, muốn thay đổi phải có cái mới, muốn có cái mới phải có người nghĩ khác. Có nhiều cách tiếp cận một giá trị, vậy thì, hãy cho học sinh của chúng ta nhiều cách tiếp cận.
Một bộ sách làm sao giới thiệu hết các giá trị học thuật của một đất nước gần 100 triệu dân.
Tiếp nữa, trí tuệ của đất nước không thuộc về một nhóm người, mà nhiều người và nhiều nhóm người, hãy để cho những bộ óc khác biệt nhau cống hiến, đóng góp tâm huyết và tri thức. Chúng ta có quyền để tin rằng, còn có rất nhiều người mong muốn đóng góp cho nền giáo dục và học thuật nước nhà, không phải ai cũng lợi ích nhóm, không phải ai viết một bộ sách giáo khoa là vì mục đích tiền bạc.
Nhiều bộ sách giáo khoa đưa vào thị trường, có nghĩa là con em chúng ta được tiếp cận đa dạng tri thức và giá trị đạo đức, cao hơn là hướng cho học sinh nghĩ rộng hơn một khung giới hạn, tranh luận và phản biện từ khi còn nhỏ.
Cũng đừng lo loạn sách giáo khoa, bởi vì không phải ai cũng đủ đẳng cấp và tầm tri thức tham gia vào công việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một khung chương trình chuẩn, các nhà biên soạn sẽ biết trách nhiệm của mình để viết sách phục vụ cho học sinh. Viết một cuốn sách đã khó, viết một bộ sách mang tính khoa học thì không phải muốn là làm được.
Chúng ta còn có niềm tin vào thầy cô giáo, với vai trò và sứ mệnh của mình, thầy cô sẽ biết tìm những cuốn sách có giá trị học thuật để dạy cho học trò, chẳng phải ai cũng bị mua chuộc mua sách như cung cấp hàng đa cấp hay thực phẩm chức năng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thang chuẩn và hệ thống kiểm soát, giám sát, từ cái chuẩn đó, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa hay, đầy tính sáng tạo và gợi mở cho tương lai. Bộ sách nào đi ngược lại các giá trị khoa học và chuẩn mực đạo đức sẽ bị loại bỏ.
Nếu như còn trói buộc giáo dục phổ thông trong một bộ sách, thì đừng nói tới cải cách giáo dục.