Nếu đây vẫn là “chuyện thường ngày ngoài phố” thì đây, ngay trong “đám ma thời sự” của Duy Nhân, một nghệ sĩ trẻ bạc mệnh, đám đông gây ra và tự chứng kiến bao điều chướng tai gai mắt.
Nào là cảnh chùa Vĩnh Nghiêm đông đặc hiếu kỳ với điện thoại trên tay dí sát mặt những người đến viếng để chụp hình. Nào là những tiếng vỗ tay, la ó phấn khích khi một ngôi sao hài Hoài Linh xuất hiện, dù khuôn mặt thần thái của anh khi đó đúng là “như đưa đám”.
Rồi thì tiếng chỉ chỏ, cười cợt, ồn ào, khiếm nhã!
Rồi thì ảnh tự sướng với phông nền là… đám ma.
Rồi thì, như trên sân khấu, đầy rẫy cảnh xin chụp hình chung với thần tượng, xin chữ ký của những vị khách không mời, của những người chẳng chút liên quan đến tang quyến, của đám đông.
Và khốn nạn nhất là sự bất lương xuất hiện trong khuôn mặt những tên kẻ cắp.
Người ta nhìn thấy quá nhiều, nói quá nhiều về sự xấu xí của văn hóa đám đông nhưng cái “văn hóa xem xiếc” trong những đám tang, thật khó có thể nói nhẹ nhàng hơn: Đó là thứ vô văn hóa.
Đám tang, nỗi mất mát của người này xin đừng là thú vui của người khác. Bởi đám tang không phải là một show diễn. Bởi sự hiếu kỳ ấy nó nhẫn tâm quá. Bởi những điệu cười, tiếng vỗ tay ấy nó ác quá.
Văn hào người Mỹ Mark Twain có một câu cực kỳ thấm thía rằng, “Tại sao chúng ta lại vui mừng trước sự chào đời và thương tiếc ở lễ tang? Bởi vì chúng ta không phải là đương sự”.
Đám tang, nơi theo văn hóa truyền thống người Việt “nghĩa tử là nghĩa tận” - vừa là nơi để người ta tiễn biệt người quá cố, vừa là để sẻ chia đau thương với người còn sống. Hình như biết vui buồn đúng chỗ, dù là ai, ở nền văn hóa nào - chính là thứ để phân biệt con người với phần còn lại của tự nhiên.