Chỉ đạo của Phó Thủ tướng, của giám đốc công an thành phố liệu có chuyển thành kết quả, những người làm báo và dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ thực tế.
Đã từng có nhiều vụ thuê côn đồ thanh toán nhau do tranh chấp làm ăn, hoặc thuê xã hội đen đòi nợ, bảo kê hoạt động tín dụng đen. Vậy thì không loại trừ có kẻ đứng sau lưng thuê côn đồ hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, bởi vì trong thời gian vừa qua, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng điều tra một số vụ tiêu cực, và hiện đang thực hiện một số vụ điều tra khác.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo chí là cơ quan ngôn luận có vai trò phản biện xã hội, nhất là đóng góp tích cực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung giữa đường phố là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận, cần được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng cho thấy rất rõ một điều, vấn đề không phải riêng cá nhân nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, mà liên quan đến hoạt động báo chí và việc bảo vệ các nhà báo. Tham nhũng, tiêu cực tràn lan, nhà báo chân chính bất chấp nguy hiểm, can đảm đối mặt với các thế lực để lật mặt tội phạm. Có nhiều vụ việc, sau khi báo chí vào cuộc, công an nắm thông tin điều tra phá án. Xã hội bớt đi cái xấu, cái ác là nhờ một phần sự đóng góp của những nhà báo dũng cảm.
Nếu như không tìm ra bọn côn đồ hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và kẻ chủ mưu đứng sau lưng thì người làm báo không thể an tâm. Im lặng hoặc thoả hiệp với cái xấu là đi ngược lại lương tâm nghề nghiệp, “hót” theo giọng ngợi ca cho đẹp lòng người thì xấu hổ với chính mình. Nhưng động bút đến tiêu cực, tham nhũng thì bị côn đồ tấn công có thể mất mạng.
Đừng để dao búa của bọn côn đồ trở thành một công cụ ngăn chặn, cản trở hoạt động của báo chí.