Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nói “vì có phản ứng của một số công nhân, QH bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật này. Sau đó, QH sẽ thảo luận và xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nói thêm về “quan điểm cá nhân”, rằng “Những quy định mới đôi khi chưa làm người dân hiểu rõ và chấp nhận… Chúng ta khuyến khích BHXH toàn dân, lâu dài, khi về già người về hưu có lương hưu để sống. Nếu đóng bảo hiểm thời gian ngắn mà rút ra thì thiệt thòi cho NLĐ. Tuy vậy, tới đây sau khi tuyên truyền, giải thích mà NLĐ vẫn đề nghị sửa thì QH sẽ nghiên cứu để sửa đổi điều luật này”.
Còn nhớ trong phiên họp về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH ngày 24.4.2014, có rất nhiều nhùng nhằng xung quanh việc quản lý số tiền về lý thuyết là mồ hôi nước mắt của NLĐ. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi chất vấn ngay tới 700 tỉ đồng (đến thời điểm chất vấn tính cả lãi đã lên tới 1.052 tỉ đồng) mà BHXH VN cho Cty cho thuê tài chính 2 vay. Câu trả lời của đại diện Kiểm toán Nhà nước hôm đó có lẽ khiến không ít NLĐ lo lắng: “Đến giờ chúng tôi đánh giá khả năng thu hồi nợ là “nợ ở cấp độ 5”, là coi như mất”. Và đến tháng 11 năm đó, Luật BHXH được thông qua với quy định đại ý chỉ trả BHXH cho đến khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu.
Dù có dù không mối liên quan giữa chuyện “mất trắng” tiền BHXH và quy định tại Điều 60, những lo lắng của NLĐ chính đáng nhất là đối với một quy định trên lý thuyết là “đảm bảo quyền lợi lâu dài” của chính họ. Có lẽ, nhiệm vụ cấp bách của kỳ họp lần này, như kiến nghị của chính Tổng LĐLĐVN, chắc chắn phải sửa luật, để NLĐ có thể tự quyết định nhận một lần sau khi ngừng việc, hoặc chờ đến tuổi nghỉ hưu.
Nhà nước có lý của Nhà nước trước trách nhiệm lo an sinh xã hội. Nhưng chẳng có cái lý nào có lý hơn quyền tự quyết của NLĐ