Hàng loạt dự án khu đô thị, nhà ở thương mại khu vực thành phố Nha Trang, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư tổ chức bán nhà, thu hàng ngàn tỉ đồng, thì chính quyền mới phát hiện các dự án này không bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội theo quy định.
Luật nhà ở quy định các dự án phát triển đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng thực tế xảy ra nghịch lý. Bởi hầu hết các dự án nhà ở thương mại, chung cư cao cấp thường xây ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố, với giá trị 60-80 triệu/m2.
Thậm chí, các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp cả trăm triệu/m2, nên rất khó hình thành nhà ở xã hội, dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Chưa kể các dịch vụ xã hội tại các khu trung tâm này, thường với tiêu chuẩn 4 - 5 sao thì người nghèo khó có thể chi trả.
Sau khi phát hiện có đến 21 dự án không bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội, Khánh Hòa cũng chỉ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ. Bởi, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa, thì các khu đất đắc địa, thường được ưu tiên sản xuất, kinh doanh, thương mại để tăng lợi nhuận, tăng ngân sách cho địa phương...
Đây là vướng mắc chung của rất nhiều đô thị cả nước, trong đó có Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.... Cử tri Thanh Hóa cũng đã từng kiến nghị ra Quốc hội, đề nghị có sửa đổi sát thực tế.
Thiếu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở công nhân đang là vấn đề rất "nóng". Nhưng tháo gỡ thế nào để đạt mục tiêu phải xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030 như Chính phủ đề ra là không hề dễ.
Việc tháo gỡ vướng mắc đối với quy định hình thành quỹ nhà ở xã hội từ nguồn 20% đất tại các dự án phát triển đô thị, là mong chờ của nhiều địa phương. Trong đó có Khánh Hòa, với phát hiện sai phạm ở 21 dự án.
Chính sách pháp luật đặt ra là để quản trị xã hội. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương... phải chấp hành. Tuy vậy, chính sách cũng phải sát thực tiễn thì mới có thể đi vào cuộc sống. Những quy định của pháp luật khó áp dụng, để xảy ra nhiều sai phạm, không xử lý kịp, thì luật sẽ thiếu nghiêm minh.
21 dự án phát triển đô thị ở Khánh Hòa vi phạm, không bố trí đất xây nhà ở xã hội theo luật định, đương nhiên là phải xử lý. Nhưng, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, đồng thời sớm có được nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân nghèo mới là mục tiêu lớn, quan trọng hơn.
Nếu buộc nhà đầu tư của 21 dự án vi phạm tại Khánh Hòa giao căn hộ cao cấp làm nhà ở xã hội cũng không được, mà "bắt" nộp tiền cho chính quyền địa phương để bố trí nơi khác, xây nhà ở xã hội cũng không xong, vì trái luật và chưa có hướng dẫn nào từ Chính phủ...
Bố trí quỹ đất, xây nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu hàng triệu công nhân, người nghèo đô thị hiện nay là cấp bách. Nhưng việc điều chỉnh, sửa luật không thể một sớm một chiều. Vì vậy, những sáng kiến, đề xuất các giải pháp khả thi của cán bộ, chính quyền địa phương hiện rất đáng quý. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng rất nặng nề, để tham mưu cho Chính phủ, sớm có những Nghị định, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết.