Ở Việt Nam ta, thực ra vấn đề học không đáng sợ, con cá nào, kể cả cá chép thả sông cúng ông Táo bé bằng ngón tay cũng vượt được vũ môn tất. Nhưng học xong, ra trường, kiếm được việc làm mới là cửa ải “thành đồng vách sắt”.
Không hiểu sao có tổ chức thế giới xếp hạng giáo dục Việt Nam thứ 12, trên cả Mỹ, Úc. Nhiều trường của Việt Nam được nói là ngang tầm khu vực, cỡ thế giới. Có lẽ họ quên một tiêu chí mà các nước xếp vào hàng quan trọng khi đánh giá một trường đại học. Đó là tiêu chí ra trường có việc làm ngay trong năm đầu, đúng nghề, đúng việc mới là trường danh tiếng. Còn trường Việt Nam nghĩ không cần nói nhiều, ai cũng biết là ế hàng từ lâu rồi.
Thực ra, năm 2009, Bộ GD-ĐT đã có yêu cầu các trường theo dõi sinh viên ra trường và công bố số lượng có việc làm, nhưng đến năm nay, hầu như các trường để ô trống trong các văn bản, trên trang web của mình. Trong khi đó, đã có tiêu chuẩn cho trường chuẩn quốc gia, sinh viên ra trường 75% có việc làm.
Năm 2014, đã có lần Bộ trưởng GD-ĐT nước ta công bố con số 60% sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng kèm theo con số khá hấp dẫn ngày lại có con số từ 2010 đến 2014, số có việc làm tăng 38%, nhưng số thất nghiệp lại tăng gấp đôi số có việc. Thế mới buồn!
Xem ra chuyện này còn rất mơ hồ, nhưng là mơ hồ trong các báo cáo, còn người dân có con em đi học đã biết rõ là nuôi con ăn học 4-5 năm không tốn bằng một lần xin việc. Chuyện cụ thể ra sao được xếp vào loại thông tin “nhạy cảm”, xin phép không nói ra ở đây vì chúng tôi cũng như dân nhân ta có đặc điểm là rất kính trọng cái phong bì! Sinh viên ra trường đứng ở bên này sông, nhìn sang bờ sông bên kia có các cơ quan, doanh nghiệp mà thèm có một con đò hay cây cầu. Ca dao có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Giờ học xong phải yêu sếp lần nữa.