Nhưng nếu như tổ chức Công đoàn đem đến lợi ích thiết thực, người lao động được quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất, tinh thần, được bảo vệ quyền lợi chính đáng, thì chắc chắn ai cũng muốn tham gia.
Ví dụ như ở một số địa phương mạnh về du lịch, sự hình thành nghiệp đoàn xích lô du lịch rất cần thiết. Khi có tổ chức, anh em hoạt động có lề lối, nguyên tắc, không tranh giành khách. Nghiệp đoàn hướng dẫn, tuyên truyền cách ứng xử với du khách, làm cho du khách hài lòng, từ đó mới có nhiều người đến địa phương để tham quan du lịch, anh em mới sống được bằng nghề.
Hay như các nghiệp đoàn xe ôm, xe ôm công nghệ, đoàn viên của nghiệp đoàn có “điểm dừng chân” để nghỉ ngơi, uống nước. Khi gặp tai nạn rủi ro, đoàn viên được hỗ trợ tiền từ kinh phí của nghiệp đoàn. Chưa kể, có nơi nghiệp đoàn xoay xở rất giỏi, đó là nghiệp đoàn xe ôm Bình Tân - TPHCM, tìm kênh cho đoàn viên vay tín chấp tối đa 30 triệu đồng/lần với lãi suất ưu đãi. Một lao động tự do không thể vay tín chấp được, nhưng khi họ là đoàn viên của nghiệp đoàn, họ mới được hỗ trợ, đó chính là lợi ích rất thiết thực.
Sự quan tâm của nghiệp đoàn không phải là chuyện vật chất, mà qua đó đoàn viên cảm nhận được mối quan tâm, sự gắn bó, được chăm lo bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm… của tổ chức đối với bản thân họ.
Như chuyện tứ thân phụ mẫu qua đời có nghiệp đoàn thăm và hỗ trợ, sự ấm lòng về tình cảm sẻ chia chính là sợi dây thắt chặt đoàn viên với tổ chức.
Còn nhiều ngành nghề đặc thù, nghề mới, hoặc nghề cũ nhưng không có tổ chức công đoàn, hãy phát triển đoàn viên ở các không gian đó. Đừng chỉ giữ cách làm cũ, mà sáng tạo không ngừng, khi đó mới có thu hút được đoàn viên. Ví dụ như nghiệp đoàn nhóm trẻ tư thục, nghiệp đoàn những người trồng nho…
Kết nạp một đoàn viên công đoàn, không phải là thêm một cái tên trong danh sách, mà thêm một người lao động được quan tâm chăm sóc, cuộc sống vui tươi hơn, no ấm hơn. Đó mới là mục tiêu của phát triển đoàn viên công đoàn.