Ý kiến này của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gây “bão” trong dư luận mấy ngày qua.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc xảy ra các lỗ hổng dẫn đến lái xe có bằng lái thứ 2, thứ 3 như Bộ trưởng Thể nêu thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải người dân.
Tai nạn giao thông là quốc nạn, trong đó có nạn mua bán, gian lận bằng lái, có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quá sốt ruột nên đưa ra biện pháp ngăn chặn không thuyết phục, và xin khẳng định là không thể chấp nhận được.
Vì sao vậy? Gian lận bằng lái xe thì siết ở khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe, đó là giải quyết từ cái gốc, ai lại đi xử cái ngọn.
Gian lận, mua bán bằng lái là lỗi ở nhà quản lý, thì phải tổ chức chấn chỉnh quản lý, không thể đem người dân ra để hành hạ. Hình luật còn có “nguyên tắc suy đoán vô tội”, huống chi chuyện bằng lái. Vì một số người gian lận, lại nghi ngờ toàn dân là bằng giả, bắt tất cả phải thi lại khi mất bằng lái là sao?
Quý vị lên bục phát biểu là thuyết giảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, nhưng thực tế quản lý là không có chấm nào.
Đến thời buổi này, quản bằng thủ công, bắt dân thi lại bằng lái vì tình trạng gian lận, thì đừng trách dân không phục.
Cho nên, thay vì siết chặt bằng tư duy cai trị, hãy quản lý bằng tư duy kỹ trị. Đó là triển khai công nghệ, số hóa dữ liệu người có giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc. Từ cơ sở dữ liệu đó, cảnh sát giao thông chỉ cần một click là biết hết thông tin của lái xe, cho dù anh ta ở bất cứ địa phương nào. Với cách quản lý này, thì không thể có gian lận và tình trạng lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Số hóa dữ liệu người có giấy phép lái xe, thì khi có ai bị mất (và ai cũng có thể bị mất vì nhiều lý do khác nhau), thì cũng chỉ một click là cấp lại giấy phép ngay lập tức.
Đừng để câu chuyện 4.0 chỉ là khẩu hiệu của nhà quản lý và giấc mơ của dân chúng.