BS Đặng Quý Đức - Phó khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, bệnh nhân là chị K.H (26 tuổi, ở Lâm Đồng). Vào tháng trước, chị H đột ngột lên cơn hồi hộp, choáng váng và ngất xỉu, được người nhà đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành sốc tim cho bệnh nhân và chuyển chị H xuống Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua khai thác bệnh sử và các xét nghiệm ECG, siêu âm tim, chụp MRI, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân H mắc căn bệnh rất hiếm gặp: “Bệnh nhân cho biết, gia đình có một người em út bị đột tử không rõ nguyên nhân lúc 17 tuổi. Cộng với các kết quả chẩn đoán, khám lâm sàng, chúng tôi nghĩ ngay đến bệnh cơ tim thất phải” - BS Đặng Quý Đức chia sẻ. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ gặp bệnh nhân mắc bệnh lý này. Chị H được đặt máy phá rung IDC và uống thuốc nhằm đưa nhịp tim về bình thường. Sau khi điều trị, sức khỏe chị H khá ổn. Tuy nhiên, chị sẽ phải đeo máy phá rung suốt đời và thường xuyên phải tái khám để các bác sĩ kiểm tra, cài đặt thông số.
Theo BS Đặng Quý Đức, về mặt mô học, bệnh cơ tim thất phải có sự bất thường về cấu trúc cơ tim bên thất phải. Thay vì được cấu tạo bằng tế bào cơ tim, thất phải của bệnh nhân được cấu tạo bằng tế bào mỡ và sợi. Cấu trúc bất thường ảnh hưởng đến khả năng co bóp và nhịp đập của tim. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện hồi hộp, choáng váng, ngất xỉu, đột tử. Đáng chú ý, có đến 50% bệnh nhân mắc bệnh lý này bị ngất xỉu và đột tử, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh liên quan đến yếu tố gia đình. Theo thống kê, 35% bệnh nhân mắc bệnh cơ tim thất phải có người thân mắc bệnh.
Chị H cho biết, từ bé đến lớn, chị sống và lao động bình thường, chưa bao giờ có biểu hiện bất thường gì về tim. Tuy nhiên, gia đình chị có 8 anh chị em thì có 1 người em út đột tử năm 17 tuổi không rõ nguyên nhân. Sau khi chị được phát hiện bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên anh em của chị nên đi khám, tầm soát bệnh thì cũng phát hiện 1 người anh có bất thường ở tim phải.
“Bệnh lý giống như cái chết được báo trước bởi bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào. Do đó, vấn đề tầm soát bệnh là vô cùng quan trọng” - BS Nguyễn Tri Thức - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ. Theo BS Thức, những người có anh chị em, cha mẹ mắc bệnh lý này, người có biểu hiện rối loạn nhịp, thường xuyên hồi hộp, choáng váng, ngất xỉu nên đi tầm soát bệnh. Nếu mắc bệnh lý này, để phòng ngừa đột tử, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách uống thuốc và đặt máy tạo nhịp tim dựa trên tình trạng bệnh.
Bệnh cơ tim thất phải được thế giới phát hiện ca đầu tiên vào năm 1997. Ở miền bắc nước Ý, cứ 10 bệnh nhân đột tử thì có 1 bệnh nhân mắc bệnh lý này. Một thống kê khác, trong số những vận động viên bị đột tử thì có đến 22% do bệnh lý này.