Theo gia đình bé Oanh kể lại, vào khoảng 12h30 ngày 9.8, sau khi ăn trưa xong, bé Oanh cùng chị gái (5 tuổi) ngồi ăn lựu, bé Oanh đã vốc một nắm hạt lựu cho vào miệng và bị sặc. Ngay sau đó, người nhà đã móc họng, sốc bé để sơ cứu. Tuy nhiên, bé càng lúc càng tím tái, ngưng thở nên vội đưa đến bệnh viện, nhưng bé đã tử vong.
“Nguyên nhân bé tử vong do hạt lựu gây tắc đường thở. Dị vật khi ăn không vào dạ dày thực quản, nghẹt đường thở bít không khí không vào được. Tuy người nhà đã móc hết dị vật trong họng cho bé, nhưng có thể dị vật nghẹt khí quản chỉ trong thời gian ngắn không thở được dẫn đến chết não và tử vong”, bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Liễu – Phó Khoa nhi Bệnh viện Tâm Phúc cho biết.
Cũng theo khuyến cáo của bác sĩ Liễu, dấu hiệu trẻ bị hóc nghẹt đường thở thường bị tím tái, ho sặc sụa; trào nước mắt nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng. Tình hình nguy cấp hơn nếu môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái, có thể bất tỉnh nếu dị vật không lấy được ra kịp thời. Người lớn cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi hay miệng trẻ để làm thông đường thở và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu. Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Các bậc cha mẹ nên chú ý đến vấn đề ăn uống của trẻ, đặc biệt là các loại hạt trái cây như hạt nhãn, chôm chôm, hạt dưa, hạt bí,…Bên cạnh đó, cẩn thận các loại đồ chơi chi tiết nhỏ. Riêng đối với trẻ nhỏ còn bú, đặc biệt lưu ý sặc sữa, tuy lượng sữa không nhiều nhưng khi rơi vào đường thở kích thích dây thanh, khí quản phản xạ sẽ đóng bít lại gây tắc đường thở và tử vong.