Hối hận khi quát mắng con
M.P (5 tuổi) vốn là một bé trai kháu khỉnh, hoạt bát nên chị Đ.T.N (Hà Nội) luôn tâm niệm con trai mình phát triển bình thường và chưa từng nghĩ đến việc con mắc chứng tự kỷ. Dù công việc có bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian đưa các con đi chơi, thư giãn.
Thời gian gần đây, chị phát hiện con có những bất thường như co rúm, ngồi một góc và trốn chạy khi gặp đám đông, đặc biệt móng tay của con bị cắn cụt lủn, trông rất thương tâm.
Đưa con đi khám, chị Đ.T.N bàng hoàng khi bác sĩ kết luận con bị mắc bệnh tự kỷ sốc tâm lý, chứng sợ đám đông dẫn đến việc trẻ tự hành xác cơ thể mà không biết đau.
Chị Đ.T.N ân hận hơn nữa khi nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do cha mẹ chưa tâm lý, nhiều khi kì vọng về con quá lớn nên tạo áp lực, quát mắng, bắt con đi học sớm. Đến khi tình trạng nghiêm trọng như hiện nay, gia đình mới bắt đầu “sửa sai” và quan tâm, nắm bắt tâm lý, cùng con vượt qua lúc khó khăn này.
Chị N. chia sẻ: “Nguyên nhân sâu xa của bệnh tự kỷ này có thể do con tôi từ nhỏ lười ăn thịt, tôm, cá nên thiếu canxi. Từ đó, cháu bị thiếu chất nên dẫn đến phát triển không đồng đều”.
Trong khi cháu M.P không có khả năng chịu áp lực như những đứa trẻ khác, cha mẹ lại đặt quá nhiều kỳ vọng lên con nên thường xuyên mắng mỏ việc học tập, sinh hoạt của trẻ.
Hành trình điều trị tâm lý cho bé M.P còn kéo dài và gian nan. Chị Đ.T.N nghẹn ngào: “Bác sĩ nói cháu có thể ổn định một thời gian nhưng có thể bị mắc bệnh lại. Hiện nay, bố mẹ phải nắm được tâm lý, chia sẻ với con nhiều hơn, từ đó tạo môi trường sống và cách sinh hoạt gần gũi, cùng con vượt qua căn bệnh này”.
Đừng biến con cái thành niềm kiêu hãnh của bố mẹ
Sau khi chia sẻ thông tin trên, rất nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng phải giật mình vì con em mình có những biểu hiện tương tự.
Trường hợp của chị Đ.T.N là bài học cho không ít phụ huynh về việc chăm sóc, chia sẻ, nuôi dưỡng con đúng cách. Từ đó, trẻ nhỏ có điều kiện phát triển toàn diện và tránh được những tình huống không đáng có xảy ra.
Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) - cho biết: “Đứa trẻ tự kỉ khi cắn cháu vẫn thấy đau. Trẻ em tự trừng phạt vì cảm thấy không xứng đáng với sự kỳ vọng, mong muốn của cha mẹ dành cho mình”.
Vì sao đứa trẻ chọn lựa cách tự trừng phạt đau đớn đó? Vì trẻ không nhìn thấy khả năng của mình, thấy mình vô dụng nên lựa chọn tự trừng phạt. Đứa trẻ lấy sự trừng phạt là niềm an ủi, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho biết thêm.
Việc chữa trị cho em nhỏ sẽ rất khó khăn do chính em thiếu niềm tin ở bản thân, xuất phát từ quá trình cảm thấy mình thất bại, bị mắng mỏ kéo dài. Trẻ bị tự kỷ phải có bác sỹ tâm lý tư vấn và điều trị. Tuy nhiên, việc chữa trị này cũng phải kiên trì, dài hay ngắn còn do tình trạng bệnh hoặc phương thức chữa trị.
Từ đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra lời khuyên cho bậc cha mẹ đừng làm con mất tự tin ở bản thân chúng, đừng biến con cái thành nô lệ của niềm kiêu hãnh của mình. Nhiều bậc cha mẹ ảo tưởng, kiêu hãnh vượt quá thực tế cái con mình có và vẫn áp đặt sự ảo tưởng đó cho con cái. Chính họ ngộ nhận và gây ngộ nhận cho con cái mình.