Ca mổ dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 10 tiếng. Nhận định về ca mổ này, BS Nguyễn Mạnh Hà, trưởng kíp mổ cho biết, trường hợp của Nguyễn Giang Ly khá đặc biệt vì bị tổn thương toàn bộ xương hàm dưới, phải cắt toàn bộ xương hàm dưới và phải làm vi phẫu hai thì.
“Bệnh nhân này tổn thương từ cành cao xương hàm trên bên phải ra hết cành cao xương hàm trên bên trái. Do đó, chúng tôi tiến hành cắt toàn bộ xương hàm từ phải qua trái và sử dụng kỹ thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác nhờ kỹ thuật vi phẫu. Chúng tôi dự kiến phẫu thuật cắt toàn bộ xương hàm và lấy xương mác cẳng chân tái tạo xương này”, BS Hà nói.
Theo BS Hà, tổn thương xương hàm dưới của Giang ly lớn, vạt xương mác ở cẳng chân không đủ để tái tạo lại toàn bộ hàm dưới nên kíp phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật cắt xương mác ở chân phải để tái tạo một nửa khuôn mặt bên phải và 6 tháng sau, sẽ lấy xương mác ở chân trái để tiến hành tái tạo lại một nửa khuôn mặt bên trái. Sau 6 tháng, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra lại để cấy ghép và tái tạo răng cho bệnh nhân ăn nhai.
GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, đây là ca thứ 500 bệnh viện áp dụng kỹ thuật vi phẫu ghép đoạn xương hàm. "Trước đây, chúng tôi sử dụng các kỹ thuật khác như lấy xương sườn để tái tạo vùng hàm mặt nhưng xương sườn dễ bị thoái hóa, dễ gãy nên không thể hỗ trợ làm răng giả cho bệnh nhân. Đến năm 2007, bệnh viện đã triển khai vi phẫu ghép xương hàm bằng kỹ thuật lấy xương mác cẳng chân"- BS Hải nói.
Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật này, nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ xương hàm, ăn uống khó, thậm chí không dám giao tiếp xã hội.
“Cuộc sống của hàng trăm bệnh nhân này đã thay đổi ngoạn mục. Họ sống tốt hơn, thoát khỏi bệnh tật, đau đớn và mặc cảm xã hội. Đến nay, kỹ thuật này đã thành thường quy của bệnh viện với 500 ca vi phẫu. Trong một năm trở lại đây, trung bình một tuần bệnh viện chúng tôi thực hiện 3 ca vi phẫu”, GS.TS Trịnh Đình Hải nhấn mạnh.
GS Hải khẳng định, Việt Nam hiện là một trong những nước đi tiên phong trong kỹ thuật này, thậm chí đi trước chục năm so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí cho kỹ thuật này ở Việt Nam thấp khoảng 10 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc.
Được biết, bệnh viện sẽ hỗ trợ kinh phí cho cả hai lần vi phẫu tái tạo lại khuôn mặt cho cô bé 16 tuổi này với mong muốn em có thể trở về với cuộc sống bình thường mà em hằng mơ ước.