Có thể nói hầu hết các phương pháp làm đẹp bằng phẫu thuật hay dùng thuốc đều có tai biến trầm trọng và không hiếm trường hợp làm chết người.
101 trường hợp tai biến do phẫu thuật làm đẹp
Khoảng 11h ngày 19.7, ông Edward Hartley, 53 tuổi, quốc tịch Mỹ, đến thẩm mỹ viện Việt Thành, số 565, đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM, đề nghị cắt da vùng bụng và mạn sườn, vì sau hút mỡ bụng, giảm được khoảng 18kg. BS Nguyễn Việt Thành chủ viện thẩm mỹ khám và đồng ý phẫu thuật cho ông. 16h cùng ngày, sau khi tiêm thuốc tê khoảng 15 phút thì ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch. BS Thành hồi sức, đặt nội khí quản, bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền thuốc...
Sau khoảng 20 phút, BS của BV Trưng Vương đến, tiếp tục hồi sức cho bệnh nhân nhưng không kết quả, ông E. Hartley đã tử vong. 23h30 đêm 19.7, Công an quận 10 đến phòng khám, điều tra nguyên nhân vụ việc. Thi thể nạn nhân được chuyển đi khám nghiệm pháp y. Hồ sơ bệnh án quá trình khám và điều trị cho nạn nhân được cơ quan điều tra niêm phong... Sáng 20.7, các phòng chức năng Sở Y tế, TPHCM đến kiểm tra thẩm mỹ viện Việt Thành. Đoàn kiểm tra phát hiện phẫu thuật cắt da vùng bụng không có trong danh mục các phẫu thuật được cấp phép và thẩm mỹ viện không đảm bảo an toàn khám chữa bệnh nên đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động...
Trước đó, ngày 5.5, chị Ngô Ngọc L, 36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, đến Viện thẩm mỹ Kim Cương A&B, số 1B, phố Yết Kiêu, Hà Nội, đề nghị phẫu thuật nâng mũi và ngực, thỏa thuận và trả ngay 13.000 USD tiền mặt... Ngày 13.5, chị L trải qua 7 giờ phẫu thuật (được tư vấn trước là 4 giờ)... Sau 10 ngày, vết mổ ở ngực vẫn sưng tấy, đau nhức, rỉ máu, chị L đến BV 108 Quân đội và BV Xanh Pôn để kiểm tra… GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn cho biết: “Qua quan sát về trường hợp chị Ngô Ngọc L. phản ánh bị đau nhức vì tụ máu không đáng lo ngại, nguy hiểm”. Tuy nhiên, sau những ì xèo (cả trên mạng xã hội), ngày 24.5, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội xác minh vụ việc.…
Tiêm thuốc làm đẹp có an toàn hơn?
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, - Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện (BV) nhân dân 115, TPHCM - cho biết, BV vẫn thường điều trị cho những người làm đẹp bị tai biến. Gần đây, cô N.T.L, 22 tuổi, nguời TPHCM, mất hoàn toàn thị lực mắt trái, liệt nhẹ nửa người phải sau tiêm chất làm đầy. Trước đó, L học thẩm mỹ ở một cơ sở thuộc quận 6, TPHCM. Hết khóa học, L đã nhờ người dạy tiêm chất làm đầy Filler để nâng mũi cao lên. Sau ít ngày, cô thấy mắt trái mờ, tay chân bên phải yếu dần, phải vào BV Nhân dân 115 cấp cứu. Khám lâm sàng thấy mắt trái L mất thị lực hoàn toàn, liệt nhẹ (bại) nửa người phải...
Theo bác sĩ Thắng, nếu tiêm trúng mạch máu, chất làm đầy có thể gây tắc động mạch máu não bên trái, gây rối loạn vận động nửa người bên phải với các mức độ khác nhau, do sự bắt chéo của các sợi thần kinh chi phối vận động. Tại vùng mắt, chất làm đầy có thể gây tắc động mạch mắt, gây mù mắt. Đây không phải là ca tai biến đầu tiên do chất Filler... Mong muốn có đôi môi mọng đẹp, ngày 28.4.2016, chị Trịnh Thị Hồng, 21 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh đến spa số 2B, phố Vạn Kiếp, Hoàn Kiếm, Hà Nội, để tiêm Filler môi dưới. Chủ spa là Nguyễn Thị Nga nói mình làm việc tại một BV lớn ở Hà Nội, nguồn Filler cũng từ BV nên chị Hồng rất tin tưởng...
Hơn một tháng đầu, chị Hồng rất ưng ý, tuy nhiên cuối tháng 6, môi dưới của chị bắt đầu nổi những nốt sùi trắng. Gọi điện thì chủ spa nói do ăn nhiều đồ nóng và khuyên nên ăn đồ mát. Hồng làm theo, nhưng môi ngày càng sưng to hơn, xuất hiện nứt và loét. Đầu tháng 7, cô phải vào BV Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội, cấp cứu vì sốt cao; co giật; môi hoại tử, mưng mủ. Bác sĩ phải tiểu phẫu để tháo dịch mủ. Ác hại là nhiễm loại khuẩn Tụ cầu vàng kháng kháng sinh nên bệnh tình tiến triển rất chậm, phải phẫu thuật cắt bỏ phần môi dưới hoại tử. Gia đình báo cho chủ spa, chủ spa viết cam kết nhận trách nhiệm và thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị trong khoảng thời gian từ 1 - 6 tháng cho bệnh nhân. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra spa này, nhưng khi cơ quan chức năng đến thì spa đã khóa cửa!?
Theo quy định, tiêm chất làm đầy chỉ được làm tại các BV, phòng khám được cấp phép và người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề... Vì muốn có một chiếc cằm V-line đúng mốt thời đại, nhưng rất sợ đụng chạm dao kéo và chi phí đắt nên H.T quyết định dùng Filler để nhanh chóng cải thiện nhan sắc với giá rẻ. Sau khi tìm hiểu và chuẩn bị tinh thần, cô đến một trung tâm thẩm mỹ để tiêm Filler chỉnh cằm với ý tưởng về một chiếc cằm thon gọn đúng mốt. Sau khi tiêm khoảng một tuần, cằm đẹp đâu không thấy, lại thấy vùng cằm bắt đầu sưng, đau nhức rồi mưng mủ, chảy dịch... Cô đến Viện thẩm mỹ BS Điền ở Hà Nội với chiếc cằm chảy mủ...
ThS.BS Lê Hữu Điền - Giám đốc thẩm mỹ viện BS Điền, Đại diện thương hiệu Juvederm tại Việt Nam cho biết: Chất làm đầy Filler là một nhóm gồm nhiều chất, không phải Silicon lỏng, mà là những chất như axit Hyaluronic, Collagen (với các thương phẩm Restylane, Perlane, Teoxane, Prevelle, Juvererm...) hay Canxi hydroxylapatite (thương phẩm Radiess) và chất kích thích cơ thể sản sinh Collagen (thương phẩm Scultra) dùng làm mất các nếp nhăn do tuổi tác hoặc bẩm sinh, làm đầy sẹo lõm, nâng mũi, làm căng da mặt, mọng môi...; có tác dụng trong một thời gian ngắn; có thể tiêm bổ sung đúng thời hạn theo chỉ dẫn của BS.
Hiện nay chất làm đầy vĩnh viễn Silicon đã bị cấm, chất Botox hiệu quả thấp nên những chất Filler được dùng phổ biến nhất do làm nhanh, độ an toàn khá cao, duy trì hiệu quả làm đầy khoảng 9 - 12 tháng. Có 16 thương phẩm làm đầy được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) kiểm định và chứng nhận mức độ an toàn, ví dụ Juvederm, Restylane, Radiesse, Scultra... Theo các chuyên gia thẩm mỹ, Filler chỉ hiệu quả khi sử dụng liều lượng hợp lý, tiêm chính xác vị trí và độ sâu. Nhưng hiện thời, ngay cả những nước tiên tiến nhất, các nhà chuyên môn vẫn chưa thể xác định chính xác liều lượng từng chất đối với từng loại da mặt. Mặt khác, mỗi người lại có vị trí tiêm khác nhau, vì thế, tay nghề của BS thẩm mỹ phải rất cao.
TS.BS. Frank Joshep, Khoa Thẩm mỹ chỉnh hình, BV John Hopkins, Mỹ, nói: Mỗi vùng da trên mặt có đặc điểm khác nhau, Filler chỉ hiệu quả khi được tiêm bởi những BS nắm vững cấu trúc phần mềm vùng mặt. BS thực hiện thủ thuật phải có chuyên môn sâu về kỹ thuật tiêm, phải tiêm rất cẩn thận và nhẹ nhàng.
PGS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BV TW Quân đội 108, Hà Nội, nói: Filler có thể tiêu sớm hay muộn tùy vào liều lượng và cách thức tiêm, tiêm sao cho chất này ngấm đều vào mô sẽ tiêu nhanh, nếu tiêm dồn thành cục lớn sẽ rất khó tiêu, nên kỹ thuật viên phải tiêm rải, không được tiêm vón cục. Đặc biệt, với các vùng có nhiều mạch máu, nhất là mạch máu lớn, chất này dễ tạo thành các cục nghẽn (emboli, ví dụ: Khi tiêm nói chung phải đẩy hết bọt khí trong bơm tiêm, bọt khí vào máu gây tắc mạch rất nguy hiểm) trong lòng mạch, đi khắp cơ thể, làm tắc nghẽn bất kỳ nơi nào, như gây ra nhồi máu động mạch phổi, không cấp cứu kịp sẽ tử vong...
Điều này, FDA đã cảnh báo, tiêm chất làm đầy vào trúng mạch máu, ngoài hạn chế cấp máu đến mô, có thể gây tắc nghẽn mạch với các hậu quả giảm sức nhìn hay mù lòa; hủy hoại da mặt và nguy hiểm hơn là đột quỵ. Filler không được phép sử dụng quanh vùng mắt, bởi có thể tắc các mạch máu nuôi mắt dẫn tới mù lòa, mặc dù hiếm nhưng tai biến này đã xảy ra trên thế giới. Nghiêm cấm tiêm Filler để nâng ngực, mông, đùi, vì có thể gây ra hậu quả hoại tử mô (do tắc mạch). Chính vì yêu cầu khắt khe nhằm hạn chế tai biến theo đúng chuẩn của FDA mà giá của Filler chính hãng dao động từ 11 - 22 triệu VNĐ/ml, tùy loại Filler chính hãng sử dụng cho từng loại vị trí khác nhau.
Đừng để tiền mất, tật mang!
Tiên tách kỷ hậu trách nhân, trước hết phải tự trách sự nhẹ dạ, dễ tin của các bà, các cô muốn làm đẹp, rồi mới đến những lời có cánh về độ an toàn, về sở hữu vẻ đẹp (ai mà chẳng thích đẹp), kèm theo mức giảm giá có khi 30% hay đến 50% nên một cuộc làm đẹp chỉ còn tốn năm, ba triệu (chuyện nhỏ thời nay) hay những món quà tặng hấp dẫn... Các chuyên gia đã chỉ rõ, tiêm chất Filler phải giỏi nghề, thế nhưng các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép đâu có biết tiêm như thế nào, nhưng lợi nhuận làm họ sẵn sàng... liều!
Tiêm không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vô trùng, lại không hiểu biết giải phẫu và đặc điểm mô từng vùng mặt; Filler trộn Silicon, thậm chí chỉ hoàn toàn là Silicon (có quảng cáo tác dụng 10 năm, chẳng có chất Filler nào tác dụng đến 10 năm cả?); thương phẩm trôi nổi không rõ chất lượng, hay chất lượng kém như Collagen làm từ da trâu (trước đây có loại keo dán gelatin chính là keo da trâu); làm liều như dùng Filler bơm ngực, tiêm gần mắt... là nguyên nhân của những tai họa...
Khi cô V.T.H - “cộng tác viên” kiêm nạn nhân của một spa nổi tiếng ở Hà Nội, tố cáo spa này trên trang cá nhân và tuyên bố nắm giữ những bằng chứng thuốc của spa là dởm, không đúng như quảng cáo thì không ít khách hàng bị sốc nặng... Cần biết rằng, hiếm có một can thiệp vào cơ thể con người không có mặt trái là tai biến và biến chứng, ít nhất cũng là dị ứng, cho dù là thuốc chuẩn.
BS Robert Murphy, Chủ tịch hội phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ, khuyên rằng: “Mọi người có xu hướng coi việc tiêm thuốc là chuyện nhỏ, ai cũng làm được. Cần hiểu tiêm là thủ thuật và thủ thuật nào cũng có nguy cơ. Để giảm thiểu nguy cơ, nên làm thủ thuật ở những cơ sở tốt. Biến chứng có thể là 1/100 triệu, nhưng nếu bạn là con số 1 này, biến chứng sẽ là 100%”.
Ngay các nước có nền y học tiên tiến sử dụng chất làm đầy vẫn có hậu quả xấu. Năm 2014, Tạp chí nhãn khoa Mỹ công bố ba ca mù hoặc mất thị lực gần hoàn toàn, sau tiêm chất làm căng da mặt, do BS M.Carle ở California và đồng nghiệp mô tả. Ba người này đều tiêm một mũi chất làm đầy ở vùng trán - vùng không được phép tiêm chất này (nhưng người ta vẫn làm “không chính thức”): Một nam giới khỏe mạnh, 40 tuổi, tiêm chất Filler, bị giảm thị lực đột ngột và thu hẹp thị trường (khoảng rộng mà mắt bao quát được khi nhìn cố định vào một điểm) ngay sau hôm tiêm. Chụp huỳnh quang phát hiện tắc tuần hoàn võng mạc mắt trái. Sau một năm, thị lực và thị trường mắt trái không hồi phục.
Một phụ nữ khỏe mạnh ngoài 60 tuổi, mất thị lực trầm trọng cùng ngày tiêm một mũi mỡ tự thân ở trán. Chụp huỳnh quang phát hiện bất thường ở màng mạch (màng bồ đào - có tác dụng nuôi mắt, điều hòa nhãn áp) và các tiểu động mạch (dùng mỡ tự thân làm đầy là một phương pháp thẩm mỹ, nhưng tỉ lệ biến chứng tắc mạch cao; nạn nhân vụ “Thẩm mỹ viện Cát Tường” nâng ngực bằng phương pháp này).
Một phụ nữ khỏe mạnh, khoảng 45 tuổi, tiêm Collagen bò và chất polymethylmethacrylate microspheres vào nếp nhăn trán. Cuối ngày, bệnh nhân không thể nhìn bằng mắt phải. Chụp mạch huỳnh quang thấy các nốt lốm đốm ở nhiều tĩnh mạch mắt phải. Hai ngày sau chỉ có phản ứng tối thiểu với ánh sáng, dù được điều trị tích cực ngay khi phát hiện. Bác sĩ Carle nói rằng, tắc động mạch mắt là tai biến hiếm gặp khi tiêm, nhưng có thể xảy ra nếu tiêm vào vùng có nhiều cầu nối mạch máu, nhất là vùng quanh mắt.
Các BS Hàn Quốc đã công bố 44 ca biến chứng tắc động mạch mắt và tổn thương não do tiêm mỡ tự thân và Filler vào vùng trán trên Tạp chí nhãn khoa Mỹ. Năm 2015, các BS Canada thống kê 98 ca bị ảnh hưởng thị lực sau tiêm Filler, 65 ca bị mù một mắt và chỉ có 2 trường hợp mất thị lực vì tiêm Filler có thể khắc phục được.
Làm đẹp không xóa vĩnh viễn được dấu tích thời gian!? Nếu cần, các bà, các cô nên tìm hiểu và nghe tư vấn kỹ trước khi làm đẹp...