Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia rất xúc động khi mới đây, ông nhận được cuộc gọi từ một bà mẹ ở Vĩnh Phúc về nguyện vọng hiến toàn bộ nội tạng của con trai. Trong điện thoại, bà nghẹn ngào nói về người con trai bị tai nạn giao thông không còn cơ hội sống.
Ông Phúc chia sẻ câu chuyện: "Cách đây bốn tháng, con trai bà gặp tai nạn giao thông. Dù bệnh viện và gia đình đã nỗ lực cứu chữa nhưng anh vẫn trong tình trạng chết lâm sàng. Quá đau đớn và buộc lòng phải đối mặt với từng thời khắc sống mong manh còn lại của con nhưng người mẹ vẫn nghĩ tới việc cứu giúp nhiều người khác. Sau khi tìm hiểu các thông tin và ý nghĩa của việc hiến ghép tạng, bà mẹ này đã liên hệ đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để hiến toàn bộ nội tạng của con trai".
Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã từ chối người mẹ này vì Luật hiến, ghép tạng không cho phép nhận toàn bộ nguồn tạng hiến khi người cho tạng vẫn còn sống mà chỉ nhận khi người bệnh được xác định thực sự chết não. Lãnh đạo Trung tâm và tất cả những người biết câu chuyện đều hết sức cảm động và trân trọng nguyện vọng của người mẹ có tấm lòng nhân ái này.
Theo các bác sĩ, ngày nào cũng có người chết não do tai biến, tai nạn giao thông và các bệnh khác. Riêng về tai nạn giao thông, mỗi năm, trung bình nước ta có khoảng 11.000 người tử vong, đứng đầu thế giới. Trong đó, ít nhất 1/3 trường hợp được xác định là chết não.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết bên cạnh nguồn hiến là người sống, một bộ phận rất lớn bệnh nhân không may bị chết não là đối tượng thích hợp nhất để ghép tạng.
Ông chia sẻ: “Chết não là tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ nuốt, ho, thở. Chết não dù hồi sức tích cực đến bao nhiêu vẫn không thể cứu được bệnh nhân. Ở nước ta, các công đoạn giám định người chết não được thực hiện rất kỹ lưỡng. Một người được khẳng định chết não không thể tồn tại quá 3 ngày. Do đó, để có thể sử dụng nguồn tạng của bệnh nhân chết não, người nhà cần sáng suốt quyết định sớm”.