Ông Sơn cho biết, vụ việc đang tiếp tục được xem xét để xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm tại PKĐK Tâm Đức.
Theo BHXH Việt Nam, mặc dù không đủ tiêu chuẩn nhưng PKĐK Tâm Đức vẫn được Sở Y tế tỉnh Bình Phước cấp phép hoạt động là “phòng khám đa khoa” (?). Cụ thể: năm 2016, phòng khám này chỉ có 13 bác sĩ đăng ký hành nghề khám chữa bệnh (KCB). Trong đó có 5 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB toàn thời gian, tương đương với 38 % tổng số bác sĩ đăng ký hành nghề KCB tại đây. Cơ quan chuyên môn kết luận, với tỷ lệ trên, mặc nhiên PKĐK Tâm Đức không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, Sở Y tế tỉnh Bình Phước (do ông Nguyễn Đồng Thông làm giám đốc) vẫn cấp giấy phép hoạt động cho Tâm Đức. Điều này làm trái với Thông tư 41/2011/TT- BYT, ngày 14.11.2011 của Bộ Y tế và Nghị định số 109/2016/NĐ- CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động đối với cơ sở KCB…
Bên cạnh đó, PKĐK Tâm Đức không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB cho người đóng bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Bởi, năm 2017, PKĐK Tâm Đức không có bác sĩ chuyên khoa ngoại đăng ký hành nghề KCB, mà phân công bác sĩ đa khoa thực hiện KCB ngoại khoa. Đây là hành vi nghiêm cấm trong công tác KCB.
Tại phòng khám, các bác sĩ đăng ký hành nghề KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ, chỉ ghi chung chung là “ngoài giờ, ngày trực ra, thứ 7, chủ nhật”, mà không ghi cụ thể ngày giờ… Điều này là trái với quy định KCB. Trong khi đó, Tâm Đức có 1 bác sĩ đăng ký KCB “ngoài giờ, ngày trực ra, thứ 7, Chủ nhật” . Song, PKĐK Tâm Đức lại thực hiện ký “khống” toàn bộ hồ sơ KCB của bệnh nhân trong giờ hành chính (?). Nguy hiểm hơn, PKĐK Tâm Đức đã sử dụng y sĩ đa khoa để KCB về … y học cổ truyền cho không ít bệnh nhân (?!).
BHXH Việt Nam xác nhận: PKĐK Tâm Đức không được cấp phép hoạt động KCB về chuyên khoa phục hồi chức năng. Tuy nhiên, Sở Y tế vẫn phê duyệt cho PKĐK Tâm Đức thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng. PKĐK Tâm Đức còn thực hiện miễn chi trả phí cho người bệnh đến KCB BHYT, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến KCB.v.v… Qua đó, tạo nhu cầu giả tạo, nhiều người không có nhu cầu nhưng vẫn đến KCB không mất tiền …
Trước hàng loạt dấu hiệu vi phạm trên, ngày 22.5.2017, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1955/BHXH – CSYT, yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức để các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Đồng thời, để kịp thời ngăn chặn, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm (nếu có), BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế phối hợp thanh tra việc KCB BHYT tại PKĐK Tâm Đức, từ năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017.
Phát biểu tại buổi họp báo trên, ông Phạm Lương Sơn nói: “Sai phạm nghiêm trọng mà ai cũng phải giật mình. Phòng khám liều mạng đến mức đưa cả thực tập sinh vào trong phòng khám để hành nghề, với một lý luận hết sức ngây thơ là, cho các cháu vào thực tập sau đó Sở Y tế sẽ cấp chứng chỉ hành nghề (?). Chúng ta không thể trao tính mạng, sức khỏe của người bệnh cho những người đang học nghề, nếu xảy ra bất kỳ cơ sự gì thì lúc đó ai chịu trách nhiệm ?”.