Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận người bệnh nam tên T.V.T (sinh năm 1962, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) bị liệt dây thanh quản.
Người bệnh T.V.T có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp hoàn toàn, suy tim. Cách đây 2 tháng, người bệnh bị tai nạn giao thông và được phẫu thuật cắt thận trái. Sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh mất tiếng, nói khàn, ra viện dùng thuốc theo đơn nhưng không đỡ. Mức độ nói khàn ngày càng tăng, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức. Người bệnh được chẩn đoán "Liệt dây thanh trái" chuyển Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng điều trị.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng, nói khàn nhiều, nói hụt hơi, nói nhiều mệt. Uống nước dễ bị sặc. Đây chính là điều cản trở trong quá trình điều trị bệnh. Do uống nước rất dễ bị sặc cộng thêm tiền sử về các bệnh lý tim mạch nên việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị gặp khó khăn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Sơn Hùng - Giám đốc Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng cho biết: "Xác định phương pháp điều trị chính cho người bệnh là các thủ thuật đông y và phục hồi chức năng nên chúng tôi đã hội chẩn, đưa ra phác đồ huyệt châm cứu kết hợp tập phát âm cho người bệnh"
Sau 4 ngày điều trị, người bệnh bắt đầu nói dễ dàng hơn, đỡ hụt hơi, đỡ mệt mỏi. Sau 7 ngày, giọng nói gần như bình thường, không hụt hơi, không khó thở, uống nước không còn bị sặc nữa. Người bệnh được tiến hành nội soi Tai mũi họng dây thanh trái đã di động tốt.
Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thanh trong đó có tổn thương dây thanh sau phẫu thuật. Các nguyên nhân khác như chấn thương cổ và ngực; đột quỵ; u ác tính hoặc lành tính gây chèn ép cơ, sụn và thần kinh chi phối thanh quản gây liệt; nhiễm trùng; bệnh lý thần kinh như Parkinson gây yếu dây thanh... Liệt dây thanh có thể liệt một bên hoặc hai bên.