Đừng mất cảnh giác khi trẻ chơi gần ao hồ
Ngày 14.7, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, chỉ trong ngày 9.7, khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhi chuyển đến điều trị do đuối nước. Nhỏ nhất là bé gái Nguyễn D.T mới 18 tháng tuổi, ở tỉnh Phú Thọ. Trong lúc người nhà không để ý, bé T chẳng may ngã xuống ao trước cửa nhà. Người nhà cho biết, bé T bị chìm dưới nước khoảng 3-5 phút mới được phát hiện và vớt lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, môi tím tái. Dù đã được gia đình sơ cứu tại trạm xá rồi chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi TƯ nhưng do lâm vào tình trạng thiếu oxy dẫn đến phù não cấp, bé T đã tử vong.
Cũng trong ngày 9.7, bé trai Nguyễn L.A, 9 tuổi, ở Hưng Yên, cũng được vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bé A chơi ở ao làng cùng với các anh chị em họ cùng tuổi, có người lớn đi kèm. Tuy nhiên, chỉ một phút mất cảnh giác, người lớn không thấy bé A đâu. Mò mẫm tìm kiếm dưới ao, mọi người tìm được A. Sau đó, A được nhanh chóng sơ cấp cứu và chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ. Rất may bé A giữ được mạng sống.
Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn, nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước luôn là vấn đề được các chuyên gia y tế cảnh báo. Tai nạn đuối nước diễn ra quanh năm, nhưng mùa hè luôn là thời kỳ cao điểm. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng dẫn tới biến chứng nặng như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài.
TS. BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người lầm tưởng khi đuối nước nạn nhân sẽ vùng vẫy, kêu cứu ầm ĩ. Nhưng trên thực tế, nạn nhân thường nhanh chóng bị suy hô hấp một cách rất “nhẹ nhàng, êm dịu” do mọi người xung quanh không để ý, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần.