Loãng xương là một bệnh xương rất thường gặp. Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương. Loãng xương gặp ở cả hai giới nhưng nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Chỉ riêng ở Mỹ năm 1995 có hơn 25 triệu phụ nữ bị loãng xương, trong đó 1,5 triệu trường hợp gãy xương do loãng xương với chi phí điều trị lên tới 8 tỷ USD hàng năm. Ở Việt Nam loãng xương chiếm tỷ lệ 13-15% phụ nữ.
Loãng xương thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, người có tuổi. Thế nhưng, nhiều phụ nữ sau sinh cũng gặp tình trạng này. Theo lý giải của các bác sĩ, sau khi trải qua thời kỳ mang thai và cho con bú, cơ thể họ phải cung cấp nguồn canxi rất lớn cho phát triển thai và cho nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó họ bị giảm lượng canxi nhanh chóng nếu không được cung cấp lượng canxi đầy đủ. Những người có từ ba con trở lên hay bị loãng xương.
Bên cạnh đó, theo GS.TS.BS Nguyễn Đức Vy - nguyên Giám đốc Bệnh viện Sản phụ Trung ương, sau mỗi kỳ sinh đẻ, khi hoạt động của buồng trứng suy giảm sẽ tiết ít estrogen gây thiếu nội tiết tố. Estrogen là một yếu tố có vai trò ngăn chặn loãng xương, giúp gắn kết canxi vào khung xương đồng thời lưu giữ canxi trong xương góp phần chống tiêu xương và mất xương. Do đó, thiếu nội tiết tố estrogen sẽ dẫn đến tình trạng giảm đưa canxi vào xương, gây loãng xương rồi mất xương, lún, xẹp các đốt sống. Loãng xương có thể gây giảm chiều cao, lưng còng, xương giòn, xốp, dễ gẫy, dễ bị gẫy đầu dưới xương quay, gẫy cổ xương đùi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, không chỉ gây loãng xương, việc thiếu hụt nội tiết tố nữ ở độ tuổi dậy thì có thể ảnh hưởng đến tầm vóc của một cô gái: “Thiếu hụt nội tiết tố, nếu như ở độ tuổi còn chưa dậy thì thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của người thiếu nữ. Có thể sẽ khiến cơ thể còi, thấp, lùn, kém phát triển”.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, không ít phụ nữ sau sinh có biểu hiện giảm nội tiết tố nữ nhưng nhầm lẫn với bệnh lý chuyên khoa cơ xương khớp vì thấy cơ thể mỏi mệt, đau chân, đau tay: “Để biết được thiếu hụt nội tiết chính xác thì phải đi khám và bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm nội tiết tố. Qua đánh giá các định lượng các nội tiết tố thì sẽ biết được người phụ nữ đấy có bị suy giảm chức năng của buồng trứng hay không” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.