18 tháng tuổi có kinh, 3 tuổi vỡ giọng
Mới đây, bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã kể về hai trường hợp dậy thì sớm trong số 120 trẻ đang được điều trị tại Bệnh viện.
Một bé gái 18 tháng tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện trong tình trạng chảy máu âm đạo. Theo lời kể của người mẹ, tháng trước, em bé có biểu hiện tương tự và chị đã đưa đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế với những chẩn đoán khác nhau. Có bác sĩ chẩn đoán cháu bị xuất huyết âm đạo. Có bác sĩ nghi ngờ cháu bị xâm hại tình dục. Hai vợ chồng chị vô cùng hoang mang.
Đúng 1 tháng sau, người mẹ vô cùng ngạc nhiên vì thấy con lại chảy máu và mới nghĩ đến kinh nguyệt. Chị tá hỏa đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Qua khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bé dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Bé được điều trị bằng thuốc ức chế cạnh tranh nhằm giảm sự tăng trưởng của hormone sinh dục nữ. Bé sẽ được ngưng điều trị khi bé bước vào độ tuổi dậy thì thực sự.
Bên cạnh bé gái này, bác sĩ Thoại Loan cũng cho biết về một trường hợp dậy thì sớm khi bé còn quá nhỏ. Đó là một bé trai 3 tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện khám dậy thì sớm: “Lần đầu tiên bé cất tiếng nói, tôi vô cùng ngạc nhiên vì giọng của bé ồm ồm không khác gì giọng của một người đàn ông”.
Đó là lý do bé vô cùng tự ti với các bạn bè cùng trang lứa, thậm chí không dám nói chuyện với các bạn vì: “Mỗi lần nói chuyện, con thấy giọng ghê hơn cả ba”. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé dậy thì sớm có nguyên nhân do khối u vùng hạ đồi (não) kích thích trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục hoạt động. Bé được phẫu thuật lấy khối u và điều chỉnh hormone để “lấy lại giọng nói trẻ thơ”.
Tương tự, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, từng tiếp nhận một bé gái 6 tuổi nhập viện vì bụng to. Ban đầu các bác sĩ cho rằng bé đang mang khối u trong bụng. Nhưng sau khi siêu âm, bác sĩ và gia đình bé thật sự bất ngờ khi phát hiện bé đang mang thai. Sự thật, đứa bé trên đã bị dậy thì trước tuổi thông thường, và bé đã bị lạm dụng tình dục nhưng cả gia đình lẫn em bé không hề hay biết.
“So với những năm trước, gần đây, bệnh nhi bị dậy thì sớm có vẻ gia tăng. Khoảng chục năm trước, chúng tôi chỉ có 5-7 bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 120 bé mắc chứng dậy thì sớm” – Bác sĩ Thoại Loan cho biết.
Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan hướng dẫn dùng "chiếc vòng thần kì" để đo thể tích tinh hoàn đánh giá dậy thì sớm ở trẻ nam (ảnh K.Q). |
Vì sao con dậy thì sớm?
Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, dậy thì được coi là sớm khi bé gái dưới 8 tuổi và bé trai dưới 9 tuổi. “Nhiều bé dậy thì có thể sớm hơn so với nhiều bé khác nhưng ngoài độ tuổi này thì về mặt y khoa vẫn bình thường và cha mẹ không cần lo lắng”.
Dậy thì là một quá trình tương đối phức tạp liên quan đến trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục. Theo nghiên cứu của thế giới, dậy thì phụ thuộc vào chủng tộc, tiền sử gia đình (tuổi dậy thì của con ảnh hưởng bởi tuổi dậy thì của cha mẹ). Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, độ tuổi dậy thì liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, môi trường sống của trẻ bao gồm yếu tố gợi ý về quan hệ giới tính như phim, hình ảnh…
Dậy thì sớm là hiện tượng khó xác định nguyên nhân. 90% ở trẻ nữ không phát hiện được nguyên nhân. Ở trẻ nam, 40% nguyên nhân là do khối u lành tính nằm ở vùng hạ đồi (não) tiết ra chất kích phát trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục hoạt động, khiến đứa bé đi vào giai đoạn dậy thì.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, ở bé gái, 100% lý do bé gái được người nhà đưa đi khám dậy thì sớm vì ngực phát triển, 20-25% đến khám vì có kinh quá sớm. Ở bé trai, 100% lý do bé được đưa đi khám vì dương vật quá phát triển, 50% vì vỡ giọng sớm. Tuy nhiên, về mặt y khoa, để xác định trẻ có dậy thì sớm hay không, ngoài yếu tố đặc điểm sinh dục thứ phát thì phải phụ thuộc vào kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng: đánh giá nội tiết tố của em bé, tuổi xương, bảng đánh giá vòng ngực tùy theo độ tuổi ở bé gái, thể tích tinh hoàn ở bé trai…
Theo bác sĩ Thoại Loan, trẻ dậy thì sớm không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Thế nhưng, việc dậy thì sớm khiến bé phải đối mặt với những đặc tính sinh dục thứ phát như bé gái ngực phát triển, có kinh nguyệt. Bé trai có dương vật lớn, mọc râu, vỡ giọng...Trong khi bé còn quá nhỏ tuổi thì việc chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân sẽ không tự xoay xở được. Bên cạnh đó, mang hình hài một người phụ nữ hay một người đàn ông trong tâm hồn trẻ thơ sẽ vô cùng ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Bé sẽ bị bạn bè trêu trọc hoặc bị kẻ xấu để ý. Trẻ chưa đủ lý trí để nhận biết và ý thức được những hành động quấy rối, nên có thể bị lạm dụng tình dục, nhất là trẻ gái.
Dậy thì sớm còn ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Do các sụn tăng trưởng tăng hoạt động, trẻ sẽ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng bởi hiện tượng đóng đầu xương sau tuổi dậy thì, xương gần như không phát triển nữa.
Phòng ngừa dậy thì sớm
Bác sĩ Thoại Loan cho biết, dậy thì sớm có thể điều trị được bằng thuốc ức chế cạnh tranh, thực chất là một loại hormone (ở bé không xác định được nguyên nhân) và can thiệp vào khối u (ở bé trai). Việc can thiệp sẽ dừng lại khi bé bước vào độ tuổi dậy thì thực sự và càng hiệu quả nếu bé được can thiệp sớm.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định việc ăn nhiều thịt có chất tăng trọng ảnh hưởng đến tuổi dậy thì ở trẻ. Thế nhưng, theo kết quả khảo sát thực tế ở những em bé dậy thì sớm, có một sự liên quan giữa hai yếu tố. Do đó, trong thời đại thực phẩm “nhiễu nhương” như hiện nay, BS Thoại Loan khuyên, cha mẹ nên giữ cho con một chế độ dinh dưỡng ở mức chuẩn. Đừng nghĩ bé càng mập thì càng tốt mà hạn chế tình trạng tăng cân quá nhanh, nhất là bé gái.
Gia đình nên hạn chế cho con tiếp xúc với những hình ảnh, thông tin gợi ý đến quan hệ giới tính. Gia đình cũng nên cho con tắm, gội đầu bằng các loại sữa tắm dầu gội dành cho trẻ. Bởi hiện nay, các loại dầu gội, sữa tắm dành cho phụ nữ luôn có hormone nữ giới Estrogen. Cha mẹ cần đưa con đi khám và điều trị dậy thì sớm nếu bé còn nhỏ tuổi (bé gái dưới 8 tuổi, bé trai dưới 9 tuổi) có những đặc tính sinh dục thứ phát quá sớm (có kinh, ngực phát triển, cơ quan sinh dục phát triển, vỡ giọng, mọc râu…).
BS Thoại Loan cũng phủ nhận thông tin cho rằng trẻ uống nhiều sữa công thức có thể gây dậy thì sớm. Bởi hiện nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh vấn đề trên. Sữa chỉ gây hại nếu trẻ uống quá nhiều. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cha mẹ một vài trẻ đến khám dậy thì sớm cho biết cho con uống 2-3 lít sữa/ngày. Các bé này đều quá cân, béo phì. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc dậy thì sớm ở bé là cơ thể tăng cân quá nhanh và thúc đẩy quá trình dậy thì chứ không phải bản thân sữa gây nên dậy thì sớm.
“Cha mẹ phải bình tĩnh hơn con”
Hầu hết người bố, người mẹ nào khi nhận thấy những thay đổi đột ngột ở cơ thể của con mình, đều bàng hoàng, lo lắng, chạy khắp nơi tìm cách chữa trị bệnh cho con. Tuy nhiên, về tâm lý, BS Thoại Loan cho rằng: “Khi đã xác định được con dậy thì sớm, chính bản thân bố mẹ phải là người bình tĩnh hơn cả. Cha mẹ không nên quan trọng hóa vấn đề. Bởi lẽ, một đứa trẻ dậy thì sớm đã vô cùng mất bình tĩnh và lo lắng, mất tự tin rồi. Sự bình tĩnh của cha mẹ sẽ giúp con an tâm đối mặt với một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời của bé”.
Theo các bác sĩ tâm lý, việc trẻ dậy thì sớm với những dấu hiệu phát triển của cơ thể một chút ngượng ngùng, nhất là lúc đầu. Lúc này, trong suy nghĩ một đứa bé, điều bé quan tâm không phải là dậy thì sớm hay muộn. Điều khiến bé cảm thấy không tự tin chính là sự khác biệt đối với các bạn bè đồng trang lứa. Mặt khác, điều mà nhiều phụ huynh có con dậy thì sớm lo ngại đó là những thay đổi trong cảm xúc tính dục của con. Trẻ có thể thay đổi cảm xúc tính dục và tâm tính. Bé có thể “bớt hồn nhiên vô tư” hơn trong mắt bố mẹ. Bé có thể để ý các bạn khác giới sớm hơn.
Các chuyên gia tâm sinh lý khuyên phụ huynh khuyến khích con mình tham gia các hoạt động, trò chơi phù hợp với lứa tuổi và định hướng cho con về tình bạn. Bên cạnh đó, phụ huynh cần có những cuộc trò chuyện với con một cách nhẹ nhàng, khéo léo về sức khoẻ giới tính và các nguy cơ về tình dục. Cha mẹ vẫn nên nói một cách trung thực với con về những thay đổi trên cơ thể và cả cảm xúc của bé khi bắt đầu dậy thì. Điều quan trọng là, gia đình vẫn nên chăm sóc bé theo cách bình thường, đúng độ tuổi của con. Một sai lầm mà nhiều cha mẹ gặp phải là thay đổi một cách đột ngột cách đối xử với con khi bé dậy thì. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và cảm xúc khiến bé có thể bị “sốc” và giữ khoảng cách với các thành viên trong gia đình.