Da sần sùi vì tiêm chất làm trắng
BS Phạm Trịnh Quốc Khanh- Trưởng khoa Bỏng Tạo hình Thẩm Mỹ, Bệnh viện Trưng Vương- cho biết, mới đây, một phụ nữ 40 tuổi (ở TPHCM) đã đến Bệnh viện khám trong tình trạng cổ nổi lục cục và chi chít trông rất đáng sợ. Hai tháng trước đó, bệnh nhân có đến một thẩm mỹ viện ở TPHCM để tiêm chất làm đầy và trắng da vùng cổ nhằm giúp vùng cổ trông trắng sáng, mịn màng và giảm nếp nhăn. Sau khi tiêm, cô bị nổi nốt, sốt và rất ngứa ngáy. Bệnh nhân còn cho biết, cơ sở thẩm mỹ này vốn là chỗ người quen và cô hoàn toàn tin tưởng nên không thắc mắc gì trước khi thực hiện thủ thuật.
Theo BS Khanh, bệnh nhân đã được tiêm hỗn hợp 3 chất vốn là mỹ phẩm chỉ cho phép dùng ngoài da hoặc lăn kim. Đây là những chất giúp da trắng sáng và căng đầy. “Bác sĩ tại thẩm mỹ viện đã không nắm được nguyên tắc cơ bản khi sử dụng các chất này. Bởi cũng là 3 chất này, nhưng nếu để tiêm vào da thì phải có sự khác biệt với tiêu chí và thành phần biệt dược. Mặt khác, tiêm vào da đòi hỏi yếu tố vô trùng rất cao. Dùng mỹ phẩm bôi ngoài da để tiêm vào cơ thể khiến bệnh nhân bị kích ứng, gây phản ứng viêm tại chỗ” - BS Khanh giải thích. Tại Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân được kê thuốc dưỡng da và thuốc phân giải chất đã dùng nhằm giúp cơ thể đào thải.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, bệnh nhân không những khó lấy lại được làn da như ban đầu mà còn để lại sẹo. Từ trường hợp này, BS Khanh khuyến cáo bệnh nhân khi muốn tiêm chất gì vào cơ thể để cải thiện nhan sắc đều phải tìm hiểu rõ ràng. Bệnh nhân cần được biết, chất đó có được phép tiêm vào cơ thể hay không, có giấy phép vật tư y tế hay mỹ phẩm. Chất tiêm vào cơ thể phải được cấp giấy phép là vật tư y tế. Mặt khác, vật tư y tế được lưu hành ở Việt Nam đều phải có tiếng Việt trên vỏ hộp, tên sản phẩm phải nằm trong danh sách vật tư y tế của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, về cơ sở thẩm mỹ, bệnh nhân cần đến cơ sở được Sở Y tế cấp giấy phép thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy, chất cải thiện vẻ đẹp: “Bệnh nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ sở thẩm mỹ, cơ sở y tế cho xem các loại giấy phép này trước khi quyết định tiêm vào cơ thể hoặc tham khảo trên mạng xem chất này được cho phép hay chưa”, BS Khanh khuyến cáo.
Thành “hai lưng” vì ham nâng ngực bằng silicon
Bệnh viện Trưng Vương còn cho biết, đang điều trị cho một bệnh nhân nữ tầm 50 tuổi, ở TPHCM bị chiến chứng nặng vì bơm silicon nâng ngực. Thay vì có được ngoại hình “đồi núi trập trùng”, bệnh nhân này đã cay đắng khi bác sĩ cho biết buộc phải cắt bỏ hai ngực nếu không muốn tính mạng nguy hiểm.
Theo BS Phạm Trinh Quốc Khanh thì bệnh nhân bơm silicon cách đây hai tháng. Sau một thời gian, bệnh nhân phải tìm đến bệnh viện trong tình trạng ngực chảy xệ, đau nhức, sưng tấy. Sau khi khám, các bác sĩ nhận thấy silicon đã ăn vào da, gây hoại tử. Nếu không cắt bỏ toàn bộ mô tuyến vú và vùng da tổn thương ở vùng bụng, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm.
Silicon ăn sâu đến nỗi, bác sĩ phẫu thuật chỉ làm giảm thiểu silicon trong cơ thể, chứ không thể nào lấy hết được chất làm đầy này. Các bác sĩ đã mổ nạo được gần 0,5 kg silicon trong vú bệnh nhân. “Di chứng do bơm silicon để lại rất nặng nề. Không bác sĩ nào khẳng định có thể lấy được 100% silicon đã bơm vào cơ thể bệnh nhân” - Bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Không những mất đi hai ngực, chịu hình dạng “trước sau như một”, bệnh nhân còn để lại di chứng sẹo dài vùng ngực.
Tương tự bệnh nhân trên, trước đó không lâu, bà N.T.K. (47 tuổi, ở Kiên Giang) cũng phải nhập viện để giải quyết hậu quả do bơm silicon vào ngực. Bệnh nhân cho biết, 6 tháng trước khi nhập viện, bà bị đau vùng ngực, khó ngủ. Tại Bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ đã kiểm tra vùng ngực cho bệnh nhân và phát hiện nhiều nốt cản quang nằm rải rác rất nhiều mô mỡ, mô tuyến vú. Bệnh nhân cho biết, năm 2007 đã bơm silicon vào mặt và ngực để làm đẹp.
Bà K kể lại, vì khát khao làm đẹp nên bà có nhờ một người chuyên bơm silicon dạo ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) tư vấn và quyết định bơm 6 mũi silicon lỏng vào mặt và ngực với giá 5 triệu đồng/mũi tiêm. Do tin tưởng người bơm silicon dạo ở cùng địa phương và chị này cũng tự bơm cho mình nên bà đã không tìm hiểu nguồn gốc của thuốc: “Sau khi bơm xong thì cơ thể đẹp ra, không có biến chứng gì nên thời điểm đó tôi cảm thấy rất hài lòng. Mỗi mũi tiêm cách nhau chỉ từ 2-3 ngày”.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ đã tiến hành phẫu thật ngực cho bệnh nhân để lấy silicon ra khỏi cơ thể. Khi phẫu thuật các bác sĩ buộc phải cắt trọn các mô tuyến vú 2 bên. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ còn phát hiện nhiều silicon vón cục. Ngoài ra vùng ngực bệnh nhân còn xuất hiện 2 khối u nhỏ, kích thước 5mm nằm 2 bên ngực. Bệnh nhân không những phải cắt ngực mà còn đối diện với nguy cơ ung thư cao.
Theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, silicon lỏng đã bị cấm dùng trong y học hơn 20 năm qua, đặc biệt là ở lĩnh vực thẩm mỹ vì gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có các cơ sở bơm silicon hoạt động “chui”. Hàng tuần, Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận nhiều ca bệnh liên quan đến việc tùy tiện bơm silicon lỏng vào cơ thể. Nhiều người sau khi bơm hàng chục năm mới bắt đầu thấy các biến chứng như tắc mạch, biến dạng mô vùng bơm, hoại tử... Ngoài ra, không thiếu trường hợp vừa bơm xong đã thấy ngay hậu quả.
“Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, song, vẫn có rất nhiều chị em phụ nữ không hiểu vì lý do gì đã làm đẹp một cách bất chấp. Trong số đó có không ít người thuộc giới trí thức, được đánh giá là có hiểu biết”- BS Khanh nói.