20 em “nhồi nhét” một phòng
Trung tuần tháng 3, thầy Phạm Ngọc Sửu - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Kỳ Sơn - đưa chúng tôi đến Trường PTCS Tây Sơn - nơi có khu bán trú của HS thuộc diện khó khăn nhất huyện. Trường cách thị trấn Mường Xén 12 km, nhưng nằm trên đỉnh núi cao 1.300m so với mặt nước biển. Đường lên chỉ một chiều dốc quanh co sườn núi. Có 371 học sinh (HS) tiểu học và THCS cùng học chung ở điểm trường chính là bản Huồi Giảng 3 và 4 điểm trường khác.
Năm nay, trường có 100 HS nhà xa trường hơn 7km được hưởng chế độ bán trú, gồm mỗi tháng 15kg gạo và 460 nghìn đồng. Nhà quá xa (có những em lên tới 30 km), đường sá gập ghềnh, HS buộc phải ở lại trường, nhưng nhà trường lại không được cấp kinh phí xây nhà nội trú.
Để HS có chỗ ở, trường kêu gọi phụ huynh đóng góp làm nhà. Gọi là “nhà” nhưng thực chất chỉ là những cái lán tạm bợ lợp bằng fibroximăng hay tôn cũ, thấp lè tè chỉ cao hơn đầu các em một chút, xung quanh che bằng ván hoặc tôn tận dụng, không kín, ở trong có thể nhìn rõ ra ngoài.
Xã toàn đồi núi, nhà nội trú của HS nằm vắt vẻo sườn non, không sân chơi, bãi tập, hết sức bí bức, chật chội.
“Ở đây mùa hè rất nóng và mùa đông thì lạnh lắm ạ”, Hạ Bá Trường - lớp 8A, bản Đống Dưới - nói. Tại Huồi Giảng 3, đêm mùa đông nhiệt độ xuống 2 – 4 độ C là chuyện thường, trong khi các em áo chăn không đủ ấm, gió lùa qua khe gỗ; mùa hè lại nóng như nung. Có 100 em ở trong khu vực nội trú, nhưng không có nhà tắm, nhà vệ sinh có cũng như không.
Có tất cả 5 căn “nhà” bán trú, diện tích chừng trên dưới chục mét vuông/căn, nền đất, mỗi phòng bé tí “nhồi nhét” 20 HS. Các em ngủ trên những chiếc giường tầng cũ kỹ, ọp ẹp, làm cách đây đã ngót 15 năm.
Thầy cô đốt lửa sưởi cho HS
Trước Tết, Kỳ Sơn trải qua đợt rét kỷ lục, hàng trăm con trâu bò chết cóng, băng tuyết phủ trắng núi rừng. “Có một số em đi học không có áo ấm, chỉ mặc mấy cái áo sơmi chồng lên nhau để chống lạnh. Còn HS đến trường mặc quần rách, áo rách thì vẫn có”, thầy Lềnh cho hay. Các thầy cô cùng xuống khu nội trú, hướng dẫn tất cả các phòng đều phải đốt lửa sưởi suốt đêm để phòng HS bị rét cóng. Đợt rét qua đi mà không có HS nào bị ốm, cả hội đồng GV cùng thở phào.
Xung quanh nhà bán trú, từng bó củi cao, sắp gọn gàng. Thầy Lềnh cho hay, vào một số thời gian rảnh, HS đi kiếm củi về dùng cho bếp chung của trường. “Những HS khó khăn quá, các thầy cô phải góp ít tiền, gạo, quần áo hỗ trợ cho các em”, thầy Lềnh cho hay.
Do địa bàn cách trở, tại xã Tây Sơn có 5 điểm trường được bố trí tại các bản Huồi Giảng 3, Huồi Giảng 2, Lữ Thành, Đống Dưới, Vàng Lứ. Thầy Phạm Ngọc Sửu - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Kỳ Sơn - cho biết: “Các thầy cô phụ trách điểm trường sống “3 cùng” với HS và bà con. Điều kiện xa xôi, đi lại cách trở, cuộc sống GV còn rất nhiều khó khăn”.
Ngay cả GV nội trú cũng đang sống trong những căn nhà tạm bợ. Cùng dãy, một số phòng được bố trí làm thư viện, thiết bị. HS Trường PTCS Tây Sơn không được học tin học, không có phòng máy vi tính được nối mạng. Thiết bị dạy học cũng rất thiếu thốn, phần lớn đã cũ và 50% đã hư hỏng.
Thư viện nhà trường rất ít sách, HS học thể dục không có sân bãi, dụng cụ tập luyện, chỉ có vài quả bóng đá.
Chia tay Huồi Giảng, không sao quên được hình ảnh những HS đến lớp với bụng đói, quần áo mong manh, co ro trong giá lạnh nơi đỉnh non cao.
“HS Tây Sơn rất ngoan, vâng lời thầy cô, không em nào gây gổ đánh nhau, dù khó khăn cũng không bỏ học, chỉ thương các em nghèo quá, điều kiện khó khăn quá”, thầy Hắp Văn Long, Hiệu trưởng nhắn nhủ.
[Clip] Khu bán trú trường PTCS Tây Sơn còn rất khó khăn:
20 HS được nhồi nhét trong một phòng thấp tè. |
Phòng bếp "kiêm" phòng ăn của 100 HS. |
Khu ở chật chội, không có sân chơi. |
Dù còn rất nhiều khó khăn, GV và HS vẫn cố gắng dạy học. |