Tự ngắm mình giữa mùa Hanami
Nếu nghệ thuật uống trà của người Nhật tinh tế và có bề dày văn hóa đến hàng trà đạo, thì nghệ thuật thưởng hoa anh đào của người Nhật cũng đến cảnh giới “anh đào đạo”. Mà đúng thế, thuật ngữ Hanami (lễ hội thưởng hoa) ra đời bắt nguồn từ cái sự ngắm hoa anh đào của ngàn xưa.
Người Nhật thưởng hoa không ồn ào mà ngắm từ trong tâm, nhìn hoa từ hồn mình. Cung điện Osaka có những góc rất yên tĩnh, dưới những cội hoa, nhiều người ngồi yên như đang thiền, mặc chung quanh ai đó nói cười, mặc cho hoa cứ đẹp rực rỡ ở bên trên. Hình như họ đang tự ngắm chân thân, soát xét lại lòng mình như một con chiên sám hối dưới tượng Chúa. Mùa hoa anh đào nở là mùa lễ hội, nhưng nó như một tuần chay trong tâm tưởng của những người mang tinh thần võ sĩ.
Đúng là “tuần chay” của tâm hồn, anh đào nở chỉ trong một tuần, đời hoa ngắn ngủi. Anh đào đem cái đẹp đến cho cuộc đời nhanh quá, nhanh đến độ chưa kịp thưởng hoa thì hoa đã tàn. Nhìn những cánh hoa lìa cành thấy thương cảm đến tận đáy lòng, cái đẹp bao giờ cũng mong manh, cũng chóng qua, cũng vội vàng vút đi khi người ta chưa kịp nắm giữ. Thương hoa hay thương mình đây. Chính vì vậy người ta thưởng hoa anh đào trong một tuần cũng chính là chiêm nghiệm về cuộc đời, chay tịnh lòng mình để biết sống thật đẹp trong một đời người tựa giấc chiêm bao. Thưởng hoa, ngắm hoa từ bên trong tâm hồn mình là vậy.
Nhà thơ Nguyễn Duy nói với tôi rằng, hoa anh đào nở một cách quyết liệt, bung hết cái đẹp ra giữa trời, và sau đó là rũ sạch đời mình, không còn để lại trên cành dù chỉ một cánh nhỏ. Chúng tôi đi qua những vườn anh đào vừa làm xong nhiệm vụ của một samurai, rơi mình xuống như những giọt máu hồng tươi, thấm vào đất để mùa sau tái sinh rực rỡ giữa càn khôn. Dưới những gốc cây, trên những thảm cỏ, trên những lối đi dày những xác hoa. Một cái chết đẹp và hấp dẫn như khi sinh thành, có điều giấu dưới những xác hoa đó là một niềm đau tuẫn tiết, tuẫn tiết vì cái đẹp.
Có phải tinh thần samurai của người Nhật có căn nguyên từ hoa anh đào chăng? Samurai tận hiến đời võ sĩ và sẵn sàng chết, xem cái chết như một lẽ sống, ngã xuống nhẹ nhàng như một cánh hoa. Nhớ có lần, Hidenhiko Nakagawwa – một võ sĩ Kendo đưa tôi đến thăm lâu đài Himeji, còn gọi là lâu đài Hạc trắng ở tỉnh Hyogo và khai mở cho tôi về tinh thần kiếm đạo của người Nhật. Từ đó, tôi như được khai tâm mở trí về triết lý võ học của dòng Kendo.
Có lẽ chính vì xem cái chết nhẹ tựa hoa rơi đó, mà người Nhật đã chiến thắng được một đối thủ ghê gớm nhất, đó là chiến thắng chính họ. Họ đã xây dựng đất nước từ đổ nát sau thế chiến thứ hai trở thành một cường quốc kinh tế. Họ đã biến nước Nhật thành một địa chỉ có nhiều thương hiệu sản phẩm hàng hóa tin cậy tiếp tục chinh phục nhân loại ngày càng khó tính. Họ đã biến nước Nhật thành một quốc gia có môi trường thiên nhiên tuyệt vời, sạch sẽ, một đất nước gồm những công dân có kỷ luật và lòng tự trọng bậc nhất thiên hạ. Chiến thắng chính họ là vì vậy.
Tôi cứ suy nghĩ theo câu chuyện của Nakagawa, nên đến lâu đài Himeji lúc nào chẳng hay. Ngay từ cổng lâu đài Hạc trắng bước vào là một sân luyện kiếm của các samurai năm xưa. Lâu đài được xây dựng từ năm 1346 bởi một samurai có tên Akamatsu Sadanori, cho nên không gian dành cho luyện kiếm chiếm một khu vực rộng lớn.
Hidenhiko mượn một thanh kiếm của một võ sĩ người mẫu tại lâu đài, biễu diễn cho tôi xem một vài tuyệt chiêu và anh gọi đó là những “nhất chiêu sát thủ”. Người Nhật không múa kiếm tung tóe mù trời… Samurai rút kiếm là vấy máu, hoặc máu đối thủ hoặc máu của chính ta. Samurai không hoa hòe hoa sói, không múa may quay cuồng, không huê dạng chiêu thức, chỉ một đường kiếm thôi, dứt khoát như một bông anh đào nở và quyết liệt rụng không hề hối tiếc.
Tinh thần samurai vẫn đi qua tháng năm
Trong câu chuyện của Hidenhiko Nakagawwa, kiếm thuật không còn là kiếm nữa mà đó là triết lý sống của samurai, và triết lý đó thấm sâu, lan tỏa trong dân tộc Nhật. Người Nhật tiếp thu tinh hoa của văn minh phương Tây, cũng biết loại bỏ những giá trị cũ, những tư tưởng lạc hậu của mình. Sự chọn lọc rất tỉnh táo đó giúp nước Nhật trụ vững trong thế tấn Kiba Dachi, để phóng lên những chiêu thức tấn công khuất phục được mọi đối thủ.
Tinh thần ấy thể hiện qua tư tưởng của Fukuzawa Yukichi được viết trong tác phẩm Khuyến Học: “ Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải cái gì cũng hay ho. Ngươc lại, phong tục Nhật Bản không phải cái gì cũng kém cỏi, cũng cổ hủ”.
Tôi nghĩ, Samurai hôm nay không còn dùng thanh kiếm để điểm ra một tuyệt chiêu, nhưng ý chí đó tươi nguyên trong dòng máu người Nhật. Không một samurai nào dùng đoản kiếm để thực hiện nghi thức harakiri khi gặp thất bại, nhưng thanh đoản kiếm đó vẫn sống động trong tâm tưởng họ. Quốc dân Nhật không đổ lỗi cho bất cứ ai khi không hoàn thành nhiệm vụ. Họ sẵn sàng nhận mọi hình phạt và thực hiện một hình thức “harakiri” cho chính mình đúng tinh thần samurai.
Tôi vẫn cứ đắm đuối theo những vùng hoa anh đào nở sáng bừng trên đầu để suy tư về mối liên hệ giữa anh đào và thanh kiếm. Có lẽ ngoài truyền thuyết, lịch sử, văn hóa truyền thống Nhật Bản đã hình thành nên tính cách, cốt cách dữ dội của chiến binh samurai thì chính những mùa hoa anh đào nở và rụng quyết liệt qua tháng năm đã thấm trong tâm hồn người Nhật nguyên khí của trời đất.
Trở lại với chuyện thưởng hoa anh đào, tôi muốn nói về tinh thần samurai thật cụ thể, cận cảnh hơn, bằng những điều thật giản dị. Từ Osaka, công viên Kobe Meriken, từ Kyoto, Fuji đến Tokyo, tôi bắt gặp nhiều đoàn người thưởng hoa, họ bày tiệc dưới những gốc anh đào, cũng thức ăn, cũng bia rượu, cũng vui niềm vui trần thế bên cạnh sự cao sang. Nhiều người đi một mình, kê ba lô nằm đọc sách hoặc ngửa cổ nhìn trời hoa. Nhưng tuyệt đối không một ai xả rác, bất cứ đâu cũng không có một cọng rác. Dưới chân của khách thưởng hoa, chỉ còn lại duy nhất xác hoa, trên cây kia là anh đào và dưới đất cũng anh đào.
Một buổi chiều tại cung điện Hoàng gia Nhật Bản tại Tokyo, tôi thấy một cậu nhóc chừng sáu, bảy tuổi chạy lên trảng cỏ, phía trước cậu là một mẩu giấy trắng bị gió thổi, rơi xuống rồi lại bay lên. Cậu nhóc cứ tiếp tục đuổi theo cho đến khi nhặt được mẩu giấy. Tôi chợt ngộ ra, tinh thần samurai ngấm trong máu là vậy.
* * *
Thật khó tìm được sự kết nối giữa hoa và tinh thần võ sĩ đạo, giữa sự nở và rụng của anh đào với một đường kiếm “nhất chiêu sát thủ” của võ sĩ samurai. Nhưng đi qua một mùa anh đào khắp nước Nhật, tôi đã rung cảm và tìm thấy được sự gặp gỡ diệu kỳ giữa hoa và kiếm ấy, ít nhất là tôi tự thuyết phục mình về một điều bí ẩn tự mình khám phá, dẫu chưa biết có thuyết phục được ai khác hay không.
Đêm ở Osaka, câu chuyện về hoa anh đào và tinh thần samurai giữa hai chúng tôi ngấm theo men rượu, nhà thơ Nguyễn Duy rút bút đề thơ bài “Anh đào”:
…Răm rắp nở
răm rắp tàn
Đồng loạt bung
đồng loạt rụng
Lấm tấm xác hoa lân tinh thảm cỏ
cánh hoa sà xuống chén sa-kê
người trang trọng nhấm rượu hoa tri kỷ
Màu hoa đào rợp trời
xác đào hoa ngợp đất
Ấy là lúc anh đào linh thiêng nhất
sinh
&
tử
hết mình
Nghe lòng ta réo gọi
ơi anh đào
anh đào
hoa thi sỹ thắm tươi hồn võ đạo