Hãng tin CNN dẫn nguồn Tổ chức Y tế Thế giới đề cập đến đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cho biết: "Cường độ và tốc độ mà nó tấn công gần như không thể tưởng tượng được - lây nhiễm cho 1/3 dân số trên trái đất".
So sánh với năm 2020, đại dịch COVID-19 cũng đang lây lan với tốc độ đáng kinh ngạc. Một số bài học đau lòng rút ra từ đại dịch năm 1918 vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa quan trọng đối với ngày hôm nay.
Bài học số 1: Không dừng thực hiện giãn cách xã hội quá sớm
Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, mọi người đã dừng giãn cách xã hội quá sớm, dẫn đến một đợt bùng phát lần thứ hai còn nguy hiểm hơn lần đầu.
Nhà dịch tễ học, tiến sĩ Larry Brilliant cho biết, ở San Francisco, Mỹ, khi số ca mắc cúm Tây Ban Nha gần như bằng không, lãnh đạo thành phố đã cho thực hiện một cuộc diễu hành lớn khiến cho "2 tháng sau, vì sự kiện đó, đại dịch cúm đã quay trở lại một lần nữa".
Ở phía bên kia nước Mỹ, Philadelphia cũng chịu số phận tương tự. Mặc dù có tới 600 thủy thủ hải quân mắc cúm nhưng thành phố vẫn thực hiện cuộc diễu hành vào ngày 28.9.1918. Chỉ 3 ngày sau, Philadelphia có thêm 635 ca mắc mới cúm Tây Ban Nha và nhanh chóng trở thành nơi có số người chết vì cúm cao nhất nước Mỹ, theo Trung tâm Lưu trữ và Hồ sơ Đại học Pennsylvania .
Ngược lại, thành phố St. Louis đã hủy bỏ cuộc diễu hành dự kiến và kết quả tốt hơn nhiều với dưới 700 người tử vong so với khoảng 10.000 người tử vong ở Philadelphia, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết.
Tất nhiên, những nơi khác nhau sẽ đạt đến đỉnh dịch khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Nhưng chỉ vì một nơi vượt qua cái gọi là đỉnh dịch không có nghĩa là các trường hợp nhiễm bệnh hoặc tử vong ở đó không thể tăng trở lại.
Bài học số 2: Người trưởng thành trẻ và khỏe mạnh cũng có thể là bệnh nhân dù có hệ thống miễn dịch tốt
Đại dịch năm 1918 đã giết chết nhiều thanh niên trẻ và khỏe mạnh, khoảng 2/3 số người chết trong độ tuổi từ 18-50, Giáo sư John M. Barry tại trường đại học Y tế Công cộng và Nhiệt đới Tulane, đồng thời là tác giả của cuốn "Đại dịch cúm: Câu chuyện về đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử", cho biết.
Với đại dịch COVID-19, người già và những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có nguy cơ cao bị biến chứng nặng. Tuy nhiên, nhiều người trẻ, khỏe mạnh cũng đã bị mắc bệnh trong tình trạng nghiêm trọng hoặc chết vì COVID-19.
Tiến sĩ Sanjay Gupta, phóng viên y tế của CNN cho biết: "Ở một số người trẻ, khỏe mạnh, một hệ thống miễn dịch phản ứng quá mạnh có thể dẫn đến hiện tượng "cơn bão Cytokine", tàn phá phổi và các cơ quan nội tạng khác. Trong trường hợp đó, vấn đề không nằm ở một hệ miễn dịch già hay yếu mà là một hệ miễn dịch hoạt động quá tốt".
Bài học quan trọng: Những người trẻ, khỏe mạnh không phải là bất khả chiến bại.
Bài học số 3: Đừng tùy tiện chữa virus bằng các loại thuốc chưa được kiểm chứng
Cả hai đại dịch cúm Tây Ban Nha và COVID-19 đều có chung thách thức: Thiếu vaccine và thiếu thuốc điều trị.
Trở lại năm 1918, các phương thuốc được sử dụng "đa dạng từ các loại thuốc mới được phát triển cho đến các loại dầu và thảo dược", theo một bài nghiên cứu của Đại học Stanford, và "các liệu pháp này ít tính khoa học hơn so với chẩn đoán, không có giải thích rõ ràng về nguyên lý hoạt động."
Đối với đại dịch COVID-19 năm 2020, có nhiều suy đoán về việc liệu hydroxychloroquine - một loại thuốc dùng để điều trị bệnh sốt rét, lupus và viêm khớp dạng thấp - có thể giúp bệnh nhân COVID-19 hay không. Một nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc này không giúp điều trị bệnh nhân COVID-19, thay vào đó, một số bệnh nhân có diễn biến nhịp tim bất thường .
Các bác sĩ ở Brazil và Thụy Điển cũng đã đưa ra quan ngại về việc sử dụng chloroquine, một loại thuốc rất giống với hydroxychloroquine, trên bệnh nhân COVID-19 do các vấn đề liên quan đến tim.
Do đó, đừng tùy tiện dùng bất kì loại thuốc nào khi chưa kiểm chứng được mức độ lợi và hại khi áp dụng điều trị COVID-19.