Gần 60 nghìn lao động bất hợp pháp
Theo Bangkok Post, giới chức Thái Lan cho hay, có gần 1,38 triệu lao động nhập cư từ Myanmar, Campuchia và Lào nộp đơn đăng ký tại các trung tâm dịch vụ 1 cửa (OSS) trên toàn quốc trong ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký hôm 31.3.
Trong số đó, hơn 1,3 triệu người lao động (chiếm 96%) được đăng ký hợp pháp, theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Adul Sangsingkeo. Đối với gần 60 nghìn người lao động nhập cư đã đăng ký nhưng không đủ điều kiện sẽ bị xem là bất hợp pháp kể từ ngày 1.4.
Những người này sẽ không được phép ở lại Thái Lan, buộc phải trở lại quê nhà hoặc đối mặt với việc bị truy tố. Theo ông Sangsingkeo, nhiều lao động nhập cư không có giấy tờ khác có thể đã rời khỏi Thái Lan trước thời hạn 31.3.
Những người lao động bị xem là bất hợp pháp này có thể trở lại Thái Lan tìm việc làm thông qua hệ thống tiếp nhận lao động chính thức theo các biên bản ghi nhớ giữa Thái Lan với các nước láng giềng, Bộ Lao động Thái Lan thông tin thêm.
Bộ trưởng Adul Sangsingkeo cũng cho biết, trong số những lao động đăng ký ngày 31.3 đủ điều kiện, tổng số gần 962 nghìn người đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo giấy phép lao động kéo dài thời gian đến 31.3.2020. Các thủ tục này bao gồm xác minh quốc tịch, nhận số định danh, khám sức khỏe và xin thị thực.
Ngoài ra, hơn 350 nghìn lao động nhập cư chưa hoàn thành các thủ tục này. Theo tướng Adul, những lao động nhập cư này sẽ hoàn thiện thủ tục tại các trung tâm OSS khi các trung tâm mở cửa trở lại ngày 23.4.
Những lao động đăng ký trước hạn chót 31.3 sẽ được ở lại Thái Lan cho đến ngày 30.6 để hoàn tất giấy phép lao động. Bộ trưởng Lao Động Thái Lan nói thêm, rằng những lao động nhập cư này có thể khám sức khoẻ tại các bệnh viện nhà nước và xin thị thực tại tất cả các văn phòng nhập cư mà không phải đợi đến khi các trung tâm OSS mở lại ngày 23.4.
5 năm tù và phạt tới 100 nghìn baht
Người phát ngôn Chính phủ Sansern Kaewkamnerd hôm 1.4 cho hay, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cảm ơn những người lao động nhập cư và chủ sử dụng lao động đã tuân thủ luật pháp. Ông nhấn mạnh, những người lao động nhập cư bất hợp pháp không thể tiếp tục làm việc tại Thái Lan. Nếu tiếp tục, người lao động và chủ sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp sẽ bị truy tố.
“Việc các lao động nhập cư đi đăng ký lại là đặc biệt quan trọng vì theo quy định mới trong Luật Lao động của Thái Lan, mỗi lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phát hiện sẽ bị phạt từ 400 nghìn tới 800 nghìn baht và do chủ sử dụng lao động trả. Trong khi người lao động bất hợp pháp bị phát hiện có thể đối mặt với án 5 năm tù, bị phạt từ 2 nghìn tới 100 nghìn baht hoặc cả hai”- theo The Nation.
Trong khi đó, Bangkok Post cho hay, nếu chủ sử dụng lao động tái phạm sẽ bị phạt tới 200 nghìn baht/người lao động, bị phạt tù không quá 1 năm và cấm 3 năm không được thuê lao động người nước ngoài.
Hôm 30.3, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết, chính quyền Thái Lan tuyên bố, sẽ tạm dừng thực thi một số điều của Luật Lao động nước ngoài mới, có hiệu lực từ ngày 23.6.2017 trong vòng 120 ngày. Cụ thể, trong thời gian này sẽ “không bắt giữ hoặc xử phạt những người lao động bất hợp pháp, trừ những người vi phạm Luật Chống buôn bán người”.
Động thái này diễn ra sau khi hàng nghìn người lao động không giấy tờ hợp lệ bỏ chạy sang Myanmar, Campuchia vì sợ lệnh bắt giữ và bị phạt nặng.
Tại Samut Sakhon - 1 trung tâm công nghiệp hải sản tập trung nhiều lao động nhập cư Myanmar - khoảng 500 lao động đã trở về nhà trong tuần qua, bà Suthasinee Kaewleklai - thuộc mạng lưới quyền của lao động di cư (Migrant Worker Rights Network) cho biết. “Những lao động này không có giấy tờ và phải quay trở lại Myanmar vì sợ sẽ bị phạt nặng” - bà chia sẻ với AFP.