Charles de Gaulle là tàu sân bay lớn nhất của Pháp và là soái hạm của hải quân Pháp, hiện đang trải qua quá trình khử trùng kéo dài kể từ khi cập cảng chính ở Toulon 5 ngày trước, theo AP.
Phát ngôn viên hải quân Pháp Eric Lavault cho hay, có 1 thủy thủ đang điều trị tích cực và khoảng 20 người khác đang nhập viện.
Hai trong số 4 thủy thủ Mỹ phục vụ trên tàu sân bay Charles de Gaulle theo một chương trình trao đổi cũng dương tính với virus SARS-CoV-2, theo thông cáo của hải quân Mỹ.
Có một thủy thủ Anh trên một tàu khác nhưng ông Lavault từ chối tiết lộ tình trạng sức khỏe của thủy thủ này.
Phát ngôn viên hải quân Pháp Lavault nhấn mạnh, chỉ huy tàu sân bay đã tìm cách tăng khoảng cách vật lý giữa thủy thủ đoàn trên tàu. Trên tàu không có thiết bị xét nghiệm và phần lớn trong suốt 3 tháng hoạt động không có khẩu trang.
Ông lưu ý, "rất khó để áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách xã hội trên một tàu chiến". Tuy nhiên, "an ninh của thủy thủ đoàn là mối quan tâm đầu tiên. Một tàu chiến, đặc biệt là một tàu sân bay, sẽ không là gì nếu không có thủy thủ đoàn".
Về vụ việc thủy thủ tàu sân bay Charles de Gaulle mắc COVID-19, bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu cơ quan quân y Pháp đã phải ra điều trần tại quốc hội.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông tin với các nhà lập pháp rằng, cho tới nay, 1.081 trong số 2.300 người trên tàu sân bay Charles de Gaulle và các tàu hộ tống, tức gần 50% quân nhân, dương tính với virus.
Một cuộc điều tra để tìm ra nguồn gốc quá trình lây nhiễm cho các quân nhân tàu sân bay đang được tiến hành. Phát ngôn viên Lavault lưu ý, tàu sân bay Charles de Gaulle đã cập cảng Brest của Pháp, trên Đại Tây Dương cũng như có mặt ở Biển Bắc trong nhiệm vụ ngoại giao hải quân với các đối tác NATO cũng như dừng lại ở Cyprus trong một hoạt động chống IS ở phía đông Địa Trung Hải. Tại một thời điểm, có các phóng viên cũng lên thăm tàu.